Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân trong căn nhà riêng ấm cúng, nhà ngoại giao Phạm Ngạc, năm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, đã chia sẻ tường tận những câu chuyện chung quanh hoạt động đàm phán tại Paris cách đây nửa thế kỷ. Ông nhớ lại: “Tôi là người trẻ tuổi nhất trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Do còn trẻ tuổi, biết nói tiếng Anh và có kinh nghiệm ngoại giao cho nên tôi được đưa vào phái đoàn này”. Ở độ tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết, ông Phạm Ngạc cảm thấy vinh dự và tự hào khi được tham gia cùng phái đoàn trong gần như toàn bộ quá trình thương lượng, đấu trí căng thẳng kéo dài gần 5 năm, với nhiệm vụ phiên dịch và ghi biên bản các cuộc họp công khai lẫn bí mật.
Có những kỷ niệm ông không thể nào quên về quãng thời gian đàm phán cam go, vất vả, làm việc bất kể ngày đêm ấy. Ông kể lại, đoàn đàm phán của Mỹ có thể thông tin về nước rất nhanh. Họ có thể đàm phán nửa chừng rồi ra ô-tô là có thể gọi về nước xin ý kiến. Trong khi đó, chúng ta phải mã hóa gửi về và nếu muốn về nước xin thêm chỉ thị thì đồng chí Lê Đức Thọ phải mất nhiều ngày để di chuyển về Việt Nam.
Có lần cuộc đàm phán kéo dài đến 3 giờ sáng (giờ địa phương). Ngay sau đó đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải lên máy bay về nước để báo cáo, mang theo biên bản cuộc họp. Ông Phạm Ngạc xúc động chia sẻ: Vượt qua mọi khó khăn, các thành viên trong đoàn đàm phán luôn giữ vững tinh thần chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hiệp định Paris là một thắng lợi quan trọng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiệp định cũng mở đường cho thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975, kết thúc hơn một thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đem lại độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Để đi đến ký kết được Hiệp định, cuộc đàm phán ở Paris đã trải qua những thử thách quyết liệt trong gần 5 năm. Ông Phạm Ngạc chia sẻ, Mỹ đã sử dụng những nhà ngoại giao giỏi kết hợp với các chiến dịch quân sự, các đợt ném bom miền bắc… để gây sức ép với Việt Nam trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo sát sao, Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ đối ngoại bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất tham gia đàm phán, góp phần rất quan trọng, làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Theo ông Phạm Ngạc, nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức ảnh hưởng tới cả trong và ngoài Hội nghị. Tại Hội nghị Paris, các nhà ngoại giao đã vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi.
Cũng theo lời dặn của Bác Hồ về tầm quan trọng của việc vận động phong trào nhân dân ở các nước khác nhau vì người dân bao giờ cũng ủng hộ hòa bình và công lý, đoàn đàm phán của ta đã hoạt động tích cực trong các phong trào hòa bình chống chiến tranh, gặp gỡ bạn bè Pháp và quốc tế, trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài… Ông Phạm Ngạc cho biết, việc lựa chọn Paris là nơi tiến hành đàm phán cũng nằm trong sự cân nhắc kỹ càng của Đảng và Nhà nước ta. Mặc dù đối với Việt Nam, Paris là địa điểm xa xôi và tốn kém nhưng lại là địa bàn thuận lợi để tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Những khó khăn về hậu cần trong suốt nhiều năm đàm phán đã phần nào được khắc phục nhờ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Thắng lợi của Hội nghị Paris thể hiện sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Ông Phạm Ngạc nhấn mạnh: Hiệp định Paris là minh chứng sáng ngời cho bản lĩnh và trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.