Sáng kiến của Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định

Truyền thông Ukraine những ngày qua đã đăng một loạt tin, bài phân tích của giới chuyên gia, học giả nước này về lập trường và đề xuất của Việt Nam tại phiên thảo luận mở cấp cao về tăng cường an ninh biển do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức mới đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhiều ý kiến đánh giá cao những sáng kiến của Việt Nam góp phần tăng cường an ninh biển.

Theo TTXVN, nhà bình luận quốc tế Andrey Tymchenko cho rằng, quan điểm nhất quán của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò kết nối giữa ASEAN và Trung Quốc thảo luận tích cực hơn về các vấn đề chính trị và kinh tế cấp bách trong khu vực với việc phát triển hơn nữa các cơ chế thực tế để giải quyết các vấn đề trên biển.

Những nỗ lực của Việt Nam trên trường quốc tế và lời kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế giúp Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại hiệu quả và cùng có lợi với các nước láng giềng cả trong và ngoài ASEAN.

Trong khi đó, điểm lại ba đề xuất quan trọng nhằm ứng phó hiệu quả những thách thức an ninh trên biển mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến do Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức, chuyên gia của Viện Chính trị Ukraine Vladimir Volya đã có bài viết cho rằng, lập trường của Việt Nam cho thấy trách nhiệm của Việt Nam nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tác giả bài viết kết luận, quan điểm sáng suốt của Việt Nam sẽ giúp nâng cao vai trò của đất nước trong nền chính trị toàn cầu và khu vực.

Chuyên gia Daniil Bogatyryov thuộc Viện Chính trị Ukraine nhấn mạnh, các đề xuất của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với cấu trúc quan hệ quốc tế hiện nay và cần tiếp tục được thảo luận rộng rãi. Việc nhấn mạnh vào phát triển các giải pháp cho từng khu vực cụ thể, có tính đến quan điểm của tất cả các quốc gia và vai trò điều phối của LHQ là những đặc trưng của một thế giới đa cực. Khi thực hiện mô hình này, sự cân bằng giữa các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và các quy định cụ thể của khu vực sẽ được tuân thủ ở mức tối đa.

Chia sẻ quan điểm này, đồng nghiệp của chuyên gia Daniil Bogatyryov là chuyên gia Ruslan Bortnik nhận định, những đề xuất của Việt Nam mang tính xây dựng và thiết thực. LHQ đặc biệt chú ý đề xuất của Việt Nam và trong Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực nhằm ứng phó các thách thức an ninh, an toàn biển; ghi nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của UNCLOS 1982 và việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Một chuyên gia khác tại Viện Chính trị Ukraine, ông Sergey Shabovta nhận xét rằng, đề xuất của Việt Nam “có sức nặng, có thể tác động đáng kể đến việc ứng phó hiệu quả đối với những thách thức an ninh trên biển”. Chuyên gia Ukraine khẳng định, quan điểm mang tính xây dựng của Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển không chỉ của các nước ven biển, mà của tất cả các nước trên thế giới.