Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn

NDO - Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 đã tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp trong các tháng 3 và 4. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, do ảnh hưởng của chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ chế tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sơ chế tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (ngày 29/5) cho biết mặc dù tình hình còn không ít khó khăn, nhưng một số hoạt động kinh tế đã có những khởi sắc trong 5 tháng đầu năm.

Nhiều chính sách, giải pháp điều hành đang phát huy tác động tích cực, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2% so tháng trước

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) cho biết, điểm sáng và khởi sắc của tình hình kinh tế tháng 5 và năm tháng đầu năm 2023 là sản xuất công nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn.

Thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so tháng trước và tăng 0,1% so cùng kỳ. Nếu như so cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp sơ bộ tháng 3 và tháng 4 giảm khoảng 2%; tháng 5 ước tăng 0,1%.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tăng cao so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% .

Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD) với các mặt hàng chủ lực gồm điện thoại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; rau quả; máy móc thiết bị...

Đáng lưu ý, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, tăng gấp 12,6 lần. Đây là hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau dịch Covid-19 cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới.

Về hoạt động đầu tư, nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã góp phần tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng 27,8% so cùng kỳ cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp cũng là một điểm sáng trong nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so tháng trước và tăng 2,43% so cùng kỳ; bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55%.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của tình hình kinh tế hiện nay. Đó là tình trạng doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng, giảm 24,1%. Bình quân một tháng có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng giảm 2% so cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu giảm.

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 49 địa phương nhưng vẫn giảm ở 14 địa phương trên cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giảm so cùng kỳ do xuất khẩu sang một số thị trường chủ yếu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, trong bối cảnh nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cần được bơm vốn để phục hồi, lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2023 tăng 4,83%, cao hơn lạm phát chung (3,55%) là một thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ. Do đó cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, chủ động khai thác các cơ hội đạt được kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất trong năm 2023 tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác.

Đặc biệt, cần hạ lãi suất điều hành phù hợp, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Điều hành tỷ giá phù hợp; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên-vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...

Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ ...

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.