Đạo diễn Đào Duy Anh:

Sân khấu cho thiếu nhi cần hơi thở đời sống

Tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất (thành phố Hải Phòng, tháng 5/2024), giải thưởng Đạo diễn xuất sắc đã được trao cho Đào Duy Anh, Phó Trưởng Đoàn Kịch Nhà hát Tuổi trẻ. Sau bế mạc Liên hoan, anh chia sẻ nhiều điều tâm huyết với quan điểm xuyên suốt: Sân khấu dành cho thiếu nhi cần chất lượng nghệ thuật chứ không phải những vở diễn chạy theo "trend"…
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Đào Duy Anh.
Đạo diễn Đào Duy Anh.

Niềm vui cùng những băn khoăn

- "Chú mèo dạy hải âu bay" đã mang về cho anh giải Đạo diễn xuất sắc tại kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc dành riêng cho tuổi thơ lần đầu được tổ chức. Khi dựng vở này, có những thủ pháp mới nào mà anh đưa vào, góp phần làm nên thành công của vở?

- Nguyên tác "Chú mèo dạy hải âu bay" của nhà văn người Chile Luis Sepúlveda có cốt truyện rất hay và ý nghĩa. Đó là cuộc hành trình dài thực hiện ba lời hứa của chú mèo mập Zorba: "sẽ không ăn quả trứng", sẽ "chăm lo cho quả trứng đến khi chú chim non ra đời" và điều cuối dường như không tưởng là "dạy nó bay". Câu chuyện mang tới cho các em thiếu nhi bài học về việc giữ đúng lời hứa, cùng với đó là tình yêu thương, tôn trọng sự khác biệt.

Khi chuyển thể tác phẩm lên sân khấu, tôi đã sử dụng phục trang lấy cảm hứng từ hình hài các con vật như mèo, hải âu, chứ không cho diễn viên mặc bộ đồ đội lốt con thú… Khán giả nhìn thấy và cảm nhận được nguyên vẹn biểu cảm từ gương mặt của diễn viên. Tôi cũng không bỏ qua việc cập nhật công nghệ như sử dụng trình chiếu hình ảnh phụ trợ qua màn hình led để hướng các em nhỏ tập trung vào nội dung câu chuyện. Trong vở, tôi chú trọng phần giao lưu với khán giả nhưng các câu hỏi đưa ra theo hướng giúp các em suy nghĩ, tại sao và làm thế nào để giải quyết vấn đề, chứ không dừng lại ở các tiếng đế theo lời thoại thông thường…

Về phía diễn viên, tôi đề nghị các bạn sống cùng đời sống nhân vật chứ không phải "diễn" một cách đơn thuần, tìm hiểu sao cho vai diễn gần gũi nhất với thiếu nhi. Đặc biệt, tiết tấu của vở cần đẩy nhanh hơn để theo kịp tư duy rất thông minh, nhạy bén của khán giả nhí hiện nay.

- Bên cạnh niềm vui, giải thưởng duy nhất dành cho đạo diễn xuất sắc tại kỳ Liên hoan này có khiến anh phải suy nghĩ?

- Lần đầu tiên mang "Chú mèo dạy hải âu bay" dự thi, không ngờ, tác phẩm đã gây ấn tượng với Hội đồng giám khảo. Vở diễn này tiếp tục khẳng định thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị nghệ thuật dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, một địa chỉ văn hóa được yêu mến của các khán giả nhỏ tuổi. Khi nhận giải thưởng này, tôi cảm thấy mình gánh trên vai trọng trách lớn lao hơn là phải tiếp tục tạo ra những vở diễn hay, đúng lứa tuổi của các em.

- Lần đầu có một Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành riêng cho thiếu nhi được tổ chức ở quy mô toàn quốc, là người gắn bó lâu năm với lớp khán giả này, hẳn là anh dành thời gian xem hết các tiết mục?

- Liên hoan có nhiều thể loại như múa rối, xiếc, chèo, kịch nói, cải lương. Một số vở khá hay, lấy chất liệu từ trong các tích truyện dân gian, sẵn nội dung cốt truyện rõ ràng, mạch lạc, thêm đầu tư tốt về phục trang, đạo cụ. Qua đó, giúp các em thiếu nhi có cái nhìn về cuộc sống tốt hơn.

Liên hoan đã tạo sự động viên, khích lệ rất lớn dành cho giới làm nghề, đặc biệt là các nhà biên kịch viết cho thiếu nhi, các đạo diễn và toàn bộ ê-kip sản xuất.

Nhưng, cá nhân tôi thấy là, vẫn có các vở diễn nhầm lẫn về đối tượng thưởng thức; tức là các vở diễn về thiếu nhi dành cho khán giả là người lớn thay vì là vở diễn dành cho thiếu nhi. Tôi hy vọng, ở kỳ tổ chức tiếp theo của Liên hoan, sự nhầm lẫn này không còn diễn ra nữa. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều hơn các đơn vị nghệ thuật tham gia; chứ lần này, con số 14 đơn vị nghệ thuật và 17 vở diễn là quá ít ỏi với "quy mô toàn quốc" của một kỳ sân khấu.

Sân khấu cho thiếu nhi cần hơi thở đời sống ảnh 1

Cảnh trong vở "Chú mèo dạy hải âu bay", Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NVCC

Tiềm năng thị trường sân khấu thiếu nhi

- Nhưng theo anh, số lượng ít ỏi các vở diễn tham dự Liên hoan lần này có phản ánh đúng tình hình chung của sân khấu dành cho thiếu nhi hiện nay hay không?

- Thật khó để đưa ra một cái nhìn bao quát theo câu hỏi của chị. Từ thực tiễn công việc mà tôi biết, mỗi năm, Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng ba đến bốn vở, trong đó có một, hai vở do nhà nước đặt hàng. Với chức năng của một nhà hát dành cho thanh, thiếu niên, thường là một nửa trong số các vở dàn dựng hằng năm hướng tới đối tượng khán giả trẻ.

Bên cạnh Nhà hát Tuổi trẻ còn có một số đơn vị khác thường xuyên, liên tục dựng vở cho thiếu nhi như Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, số lượng các vở diễn còn khiêm tốn so tiềm năng của thị trường sân khấu thiếu nhi hiện nay. Chỉ cần nhìn từ riêng Nhà hát của chúng tôi, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ vẫn đang có nguồn thu nhập ổn định từ việc phục vụ khán giả thiếu nhi, với 100 suất diễn hằng năm tại rạp của Nhà hát, chưa kể tới các suất diễn phục vụ tại cơ sở trường học, cơ quan, đơn vị khác. Đặc biệt là vào dịp hè và Trung thu, lượng vé bán tại rạp của Nhà hát rất tốt. Theo chia sẻ từ các khán giả "ruột" của Nhà hát, có vở nào ra mắt, họ đều đã xem hết và luôn có nhu cầu được xem vở diễn mới. Nhưng do nhiều lý do, số lượng các vở diễn dành cho thiếu nhi được đưa vào dàn dựng mới chưa thể đáp ứng được nhu cầu này.

- Anh có thể nêu một vài lý do chính?

- Có bắt tay vào dựng vở cho các em nhỏ mới thấy bao la những khó khăn đặt ra cho đội ngũ sản xuất, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của các em thiếu nhi hiện nay, một lứa khán giả mà như tôi đã chia sẻ là rất thông minh, nhạy bén.

Dựng vở cho thiếu nhi không phải cứ đu theo "trend" (những xu hướng nội dung, các câu nói gây sốt trên truyền thông, nhất là truyền thông xã hội-PV), họa theo trang phục, hành động của một số nhân vật hoạt hình nổi tiếng, rồi có một chút nhạc, chút nhảy nhót là xong. Kỳ thực, yêu cầu về một vở diễn thiếu nhi có chất lượng rất cao, ở cả hình thức thể hiện và nội dung tư tưởng.

Vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ phát động cuộc thi viết kịch bản cho thiếu nhi; là thành viên hội đồng tuyển chọn, cá nhân tôi thấy không có nhiều kịch bản hay. Không ít tác giả viết cho thiếu nhi vẫn theo lối xưa cũ, sáo rỗng, kịch bản sân khấu mà như kịch bản phim… Không khó hiểu trước thực tế là kịch bản được phát triển từ cổ tích, truyền thuyết hoặc từ các tác phẩm văn chương kinh điển thế giới luôn chiếm ưu thế trong sân khấu thiếu nhi suốt bao năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều hơn thế, cần các kịch bản dành cho thiếu nhi mang hơi thở của đời sống hôm nay.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Từng đảm nhận vai chính trong nhiều vở kịch gây tiếng vang của Nhà hát Tuổi trẻ, như "Nhà có ba chị em gái", "Họa tình", "Sự khởi đầu mới", "Ai là thủ phạm",… nghệ sĩ Đào Duy Anh theo học chuyên ngành đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tốt nghiệp năm 2021. Anh luôn hứng thú với công việc đạo diễn/ đồng đạo diễn các tác phẩm dành cho thiếu nhi của Nhà hát, có thể kể đến "Viên đá ngũ sắc", "Bữa tiệc của Elsa", "Giải cứu bà nội", "Chú mèo dạy hải âu bay"…