Không đếm nổi bao nhiêu lần đi vùng cao, nhưng nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Khánh Phan (Phan Thị Khánh), sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dành chuyến đi đầu xuân 2023 cho một điểm đến mới mẻ ở vùng cao tây bắc. Đó là bản Nậm Nghiệp thuộc xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Là người yêu rừng núi, từng có nhiều bộ ảnh hoa đào Hà Giang, hoa mận Mộc Châu (Sơn La)… được yêu thích trên mạng xã hội, lần này Khánh Phan tiếp tục “săn” được những khoảnh khắc ấn tượng của bản Nậm Nghiệp trong mùa hoa sơn tra (táo Mèo).
Chị chia sẻ: “Nậm Nghiệp nằm ở độ cao khoảng 2.500m so với mực nước biển, cảm tưởng như trời và đất nơi đây chỉ cách nhau một cái với tay. Đường đi khá thử thách, kể cả với những tay lái cứng cỏi. Tôi tìm hiểu và được biết cứ sau Tết Nguyên đán, khi hoa đào về cuối vụ là lúc hoa sơn tra bắt đầu nở rộ. Không nhiều người miền xuôi biết đến loài hoa này, ngay cả tôi cũng ngạc nhiên khi lần đầu nhìn thấy những chùm hoa sơn tra trắng muốt, rung rinh dưới nắng xuân!”.
Nằm ở địa bàn xa xôi của tỉnh Sơn La, bản Nậm Nghiệp có 100% nhân khẩu là dân tộc H’Mông. Trước đây, sơn tra là loài cây rừng mọc tự nhiên, giờ đây được đồng bào bản địa chủ động khai thác, trồng mới do quả sơn tra có thể dùng để ngâm rượu, làm thuốc, làm mứt…
Tuy nhiên, vẫn còn một tiềm năng rất lớn nữa mà cây sơn tra mang lại cho vùng đất này, đó là thu hút du lịch vào mỗi mùa hoa. Vài năm gần đây, du khách trong và ngoài nước bắt đầu biết đến bản Nậm Nghiệp nhiều hơn qua một số bộ ảnh của các hội nhóm cắm trại, leo núi và cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp như Khánh Phan.
Mặc dù còn hoang sơ, thiếu thốn (hiện ở quanh Nậm Nghiệp mới chỉ có gần 10 homestay của người dân) nhưng chính sự độc đáo của loài hoa sơn tra và nếp sống hiền hòa của dân bản đã hấp dẫn du khách. Trong những tác phẩm của Khánh Phan, những gốc sơn tra cổ thụ sừng sững, hoa nở thành vòm như chiếc kẹo bông khổng lồ; những nếp nhà đơn sơ vắt vẻo trên sườn núi cao, nhà nào nhà nấy trước sân đều có cây sơn tra khoe sắc…
Chị Khánh kể: “Trẻ con Nậm Nghiệp có hàm răng trắng, má ửng hồng bầu bĩnh và đôi mắt trong veo, lấp lánh. Thấy tôi giơ máy ảnh, chúng che miệng cười thích thú rồi thì thầm gì đó với nhau, xong nối đuôi nhau chạy trốn sau gốc sơn tra già. Khi gần gũi hơn, các em đã chỉ cho tôi những cây hoa lớn nhất tít trên ngọn đồi cao, nơi tôi có thể “săn” được khoảnh khắc chiều hoàng hôn rực rỡ”.
Còn ở miền núi phía đông bắc, những ngày này, Lê Việt Khánh (Hà Nội) cũng đang miệt mài sáng tác trên những triền đá nở hoa ở Hà Giang. Tay máy thế hệ 8x ghi dấu ấn trong làng nhiếp ảnh với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về chủ đề thiên nhiên, di sản. In dấu từ vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đến cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), từ những đồi chè xanh tươi Phú Thọ đến ruộng bậc thang uốn lượn Mù Cang Chải (Yên Bái), từ Lai Châu cho đến Cao Bằng…
Xuất thân là dân mỹ thuật được đào tạo bài bản, sau này trở thành nhiếp ảnh gia kiêm giảng viên bộ môn Nhiếp ảnh (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội), Lê Việt Khánh sở hữu nhiều tác phẩm chụp hoa đào vùng cao có góc nhìn độc, bố cục hiếm. Anh cũng được biết đến như một người say mê mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang và những cây đào, quan tâm đến du lịch bền vững. Năm 2020, Lê Việt Khánh đã thực hiện dự án cộng đồng “Mỗi người góp một gốc đào” để phục hồi vẻ đẹp thơ mộng của bản Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Từng nhiều lần đến sáng tác ảnh và góp phần lan toả hình ảnh điểm đến này, anh rất buồn khi thấy những cây đào cổ thụ trong bản cứ lần lượt bị chặt bán với giá rẻ mạt. Nhiếp ảnh gia “đánh liều” liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, nêu ý tưởng lập quỹ và vận động đồng bào trồng lại vườn đào ở Lao Xa. Ý tưởng của anh được lãnh đạo huyện ủng hộ, hỗ trợ kết nối với UBND xã Sủng Là và được triển khai ngay.
Nói về công trình nhân văn này, Lê Việt Khánh bày tỏ: “Trồng đào, cải tạo cảnh quan là để tìm lại được khung cảnh thần tiên như xưa. Địa phương có thêm một điểm nhấn du lịch nổi bật. Chẳng hạn, tôi đi Y Tý mỗi năm lại thấy đào đẹp và nhiều hơn hẳn, là dân họ trồng cả đấy. Đó là cả một quá trình vận động từ các cấp chính quyền để thay đổi nhận thức cho người dân, để họ thấy rằng họ không thể giàu lên nếu chỉ chặt cây đào đổi lấy một vài triệu đồng. Giữ cây đào lại, họ có thể kiếm thêm thu nhập một cách lâu dài từ các dịch vụ du lịch”.
Nếu theo dõi hành trình của Lê Việt Khánh trên mạng xã hội, người yêu nhiếp ảnh còn thường xuyên thấy anh chia sẻ thông tin về các địa danh cổ ở miền núi tây bắc, đông bắc một cách dễ hiểu, có căn cứ rõ ràng. Nhiều kiến thức thú vị liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa, tập tục văn hóa bản địa… giúp người xem hiểu hơn về đất và người vùng cao, chẳng hạn như giải thích các tên gọi Lao Chải, Sàng Ma Sáo, Ô Quy Hồ, Hoàng Su Phì, Ma Lé, Phan Xi Păng, Sin Suối Hồ…
Có tên thì ảnh hưởng từ tiếng Hán (do nằm gần biên giới Việt-Trung), có tên đặt theo tiếng dân tộc khác nhau như Mường, Thái, Giáy... Có tên thì do triều đình xưa ban, có tên lại được đặt từ một huyền tích, một truyền thuyết từ thuở khai thiên lập địa...
Rất nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng mê đắm vùng cao. Từ những nghệ sĩ nhiếp ảnh gắn bó lâu năm với miền núi như Nguyễn Sơn Tùng (Lạng Sơn), Thanh Miền (Yên Bái), Phạm Ngọc Bằng (Lào Cai)… đến những tay máy trẻ sau này như Nguyễn Hữu Thông (Bắc Giang), Hà Ngọc Hà (Tuyên Quang), Đào Văn Vinh (Hà Nội)… đều theo đuổi đề tài này và gặt hái những thành công nhất định. Như nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Thông (sinh năm 1987), khoảng 80% trong số 40 giải thưởng nhiếp ảnh lớn nhỏ mà anh giành được là các tác phẩm chụp phong cảnh, sinh hoạt của đồng bào vùng cao.
Những bức ảnh ra đời không chỉ là sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật, mà còn trở thành nguồn tư liệu quý về lịch sử-văn hoá của mỗi vùng đất qua những đổi thay, có giá trị với mai sau. Còn các nghệ sĩ nhiếp ảnh-những “thư ký thời đại” chép sử bằng “hình ảnh”- thì giống như những sứ giả truyền cảm hứng xê dịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam đến với công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế ■