Rút ngắn thời gian đào tạo song ngành

Thay vì tám năm, nếu có năng lực và biết sắp xếp, một sinh viên có thể nhận cùng lúc hai bằng đại học với phân nửa thời gian thông qua chương trình đào tạo song ngành. Giảm số tín chỉ đào tạo trên cơ sở loại bỏ những môn học có nội dung trùng lặp từ 70% trở lên, chương trình song ngành giúp sinh viên tập trung học kiến thức chuyên ngành thay vì ôm đồm nhiều thứ.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội song ngành.
Sinh viên Trường đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội song ngành.

Sau bốn năm với khá nhiều nỗ lực, Tống Chí Thông, cựu sinh viên Trường đại học Quốc tế, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng lúc tốt nghiệp loại Giỏi cả hai ngành là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Mới đây, anh tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ song ngành tại Ðức với kết quả rất khả quan.

Vừa đi dạy, anh vừa phụ trách phần lập trình website và quản lý dữ liệu cho một công ty công nghệ tại Mỹ. Anh Thông là một trong những sinh viên đầu tiên tham gia chương trình đào tạo song ngành của Trường đại học Quốc tế từ năm 2017. Theo anh, chính việc "không phải học lại" tất cả các môn đã giúp sinh viên tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức và cả chi phí khi tham gia chương trình đào tạo song ngành. Càng lợi thế hơn khi anh chọn hai ngành khá gần nhau, giảm tối đa số tín chỉ.

Cụ thể, anh chỉ cần học thêm gần 10 môn bổ sung cùng khối kiến thức cần hoàn thành của ngành thứ nhất để tốt nghiệp cùng lúc hai ngành. "Quá trình học song ngành đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực nhiều hơn nhưng cũng nhờ đó tôi biết cách bố trí, học tập và nghiên cứu thật sự khoa học. Chính kinh nghiệm học song ngành ở đại học đã giúp tôi thuận lợi hơn rất nhiều khi học thạc sĩ song ngành, nhờ vậy kiến thức thu về cũng rộng hơn, khá thuận lợi trong quá trình công tác sau này", anh Thông cho biết thêm.

Sau sáu năm triển khai, đến thời điểm hiện tại, Trường đại học Quốc tế, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có 12 chuyên ngành cho phép đào tạo song bằng. Tiến sĩ Huỳnh Khả Tú, Trưởng phòng Ðào tạo đại học nhà trường cho biết: Chương trình đào tạo song ngành là hình thức sinh viên đăng ký học thêm chương trình đào tạo ngành thứ hai, khác với chương trình đào tạo đang theo học.

Với chương trình đào tạo ngành thứ hai, sinh viên chỉ cần tích lũy thêm số tín chỉ cần thiết theo yêu cầu. Sinh viên được công nhận chuyển đổi tín chỉ chung hoặc tương đương giữa hai ngành để rút ngắn tổng thời gian học tập. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải có điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh. Nếu điểm trung bình tích lũy ở chương trình thứ nhất chỉ xếp loại trung bình, muốn học song ngành, sinh viên phải đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

Từ năm 2020, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai thí điểm chương trình đào tạo song ngành ở hai trường khác nhau trong cùng hệ thống. Một sinh viên Trường đại học Kinh tế-Luật có thể học ngành thứ hai tại Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh theo chương trình song ngành nếu đủ điều kiện.

Theo quy định của Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình song ngành gồm hai phần. Ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam. Ngành thứ hai được thiết kế với thời lượng tối thiểu 30 tín chỉ, tối đa 80 tín chỉ và tổng khối lượng kiến thức gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình phù hợp quy định hiện hành. Vì là chương trình dành cho các đơn vị thành viên cho nên Ðại học Quốc gia thành phố yêu cầu sinh viên đăng ký học song ngành phải đang theo học đại học hệ chính quy tập trung tại các trường trong hệ thống.

Ðào tạo song ngành không áp dụng với chương trình đào tạo liên kết trong nước và nước ngoài. Chương trình đào tạo ngành thứ hai bắt buộc khác ngành thứ nhất. Sinh viên đã hoàn thành năm học đầu tiên của chương trình ngành thứ nhất và thuộc diện xếp loại học lực trung bình khá trở lên sẽ đủ điều kiện đăng ký chương trình đào tạo song ngành. Thế nhưng, muốn xét tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ hai, đòi hỏi sinh viên đã đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành thứ nhất.

Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang triển khai chương trình đào tạo song ngành với các trường trong hệ thống Ðại học Quốc gia thành phố ở năm ngành: Báo chí, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Tâm lý học. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giai đoạn đầu, số lượng sinh viên đăng ký còn thấp nhưng từ năm 2022, chương trình này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người học.

Trước đây, khi chưa triển khai chương trình này, nhiều cơ sở giáo dục đại học trong đó có Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố đã chủ động đào tạo song ngành nội bộ. Với chương trình đào tạo song ngành mới, Trường giảm khá nhiều nội dung trùng lặp so với chương trình cơ bản khoảng 120 tín chỉ nhằm giảm áp lực cho người học. Không dừng lại ở năm ngành học kể trên, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng chương trình song ngành này với các ngành đang được nhiều người quan tâm. "Nói về lợi thế, rõ ràng chương trình đào tạo song ngành sẽ giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức và cơ hội việc làm cũng tốt hơn, nhất là khi các em biết chọn những ngành bổ trợ cho nhau. Ðây là xu hướng đào tạo liên ngành phù hợp môi trường giáo dục hiện nay.

Thế nhưng, muốn học song ngành, ngoài năng lực, tư duy tốt, sinh viên phải có khả năng sắp xếp, tổ chức khoa học chứ không phải ai cũng học được, đặc biệt là khi bắt đầu giai đoạn chuyên ngành ở năm 3, năm 4, áp lực học tập là không hề nhỏ", Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ■