Trước đó, hôm 5-2, chính phủ thiểu số của Thủ tướng Rumania đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập đề xuất tại Quốc hội nước này. Kết quả cuộc bỏ phiếu có thể mở đường cho một cuộc bầu cử sớm mà đảng Tự do của ông Orban tự tin sẽ giành chiến thắng. Tỷ lệ ủng hộ đảng PNL tăng lên mức 47% kể từ cuộc bầu cử quốc hội năm 2016. Rumania dự kiến sẽ tổ chức bầu cử địa phương và tổng tuyển cử lần lượt vào tháng 6 và tháng 12 tới.
Libya: Đàm phán đạt tiến bộ
Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề Libya, ông G.Salame cho biết các cuộc đàm phán giữa đại diện của các bên tham chiến tại Libya nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, dù vẫn còn tồn tại vài điểm bất đồng. Về việc giám sát lệnh ngừng bắn, ông cho biết cả hai bên chấp thuận việc Ủy ban quân sự chung sẽ tham gia giám sát lệnh ngừng bắn tại Libya dưới sự bảo trợ của LHQ. Cuộc họp nêu trên đã diễn ra từ ngày 3-2 vừa qua dưới sự bảo trợ của LHQ. Dự kiến hai bên sẽ tiến hành thảo luận về hợp tác kinh tế tại Ai Cập vào ngày 9-2.
Palestine: Tuyên bố cứng rắn về Đông Jerusalem
Nguồn từ hãng tin chính thức Palestine - WAFA cho biết, Tổng thống Palestine M.Abbas nhấn mạnh thủ đô của Nhà nước Palestine chỉ có thể là Đông Jerusalem và ông sẽ không chấp nhận bất kỳ sự đổi chác nào được đề xuất trong kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ D.trump. Kế hoạch hòa bình của Mỹ đề xuất Abu Dis, một khu ngoại ô của Jerusalem, làm thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai và đề xuất Palestine “có chủ quyền có điều kiện và hạn chế”. Palestine cho biết đã không được tham vấn về kế hoạch và kế hoạch này xa rời các giải pháp pháp lý quốc tế liên quan đến tiến trình hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Nga: Ủng hộ đề xuất cắt giảm sản lượng của OPEC
Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov cho biết, nước này ủng hộ đề xuất tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, nhằm thích ứng với nhu cầu giảm bởi dịch bệnh do nCoV. OPEC+ đã đề xuất cắt giảm 600.000 thùng dầu/ngày, tương đương cắt giảm 0,6% nguồn cung toàn cầu. Sự ủng hộ của Nga có thể mở đường cho OPEC đưa ra quyết định chính thức tại cuộc họp chính sách cấp bộ trưởng sắp tới tại Viên (Áo). Theo các nhà phân tích và giao dịch, dịch bệnh do nCoV có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ hơn 250.000 thùng/ngày trong quý I năm 2020.