Từ tháng 7 đến nay, đây là lần thứ 16 Bộ TT-TT tổ chức giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam” nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Viettel Cyberbot là nền tảng do Trung tâm Không gian mạng Viettel, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội phát triển với mục đích giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.
Viettel Cyberbot giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống tổng đài tự động thông qua tương tác với khách hàng bằng tin nhắn (Chatbot) hoặc bằng giọng nói (Callbot).
Viettel Cyberbot ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể hiểu được nội dung mà khách hàng muốn truyền tải trong quá trình giao tiếp và tự động cải tiến hệ thống liên tục từ chính những tình huống thực tế. Viettel Cyberbot có khả năng vượt trội về xử lý ngôn ngữ giúp giọng nói của Callbot đạt tới mức độ tự nhiên giống đến 95% giọng người thật.
Tính đổi mới khác biệt của Viettel Cyberbot là kết hợp được các công nghệ xử lý giọng nói với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt cùng một lúc. Cụ thể, trong mỗi cuộc gọi giao tiếp với người dùng, hệ thống có thể xử lý đồng thời việc nhận dạng lời nói, phỏng đoán ý định của khách hàng, xử lý thông tin và trả lời khách hàng, tạo lên một giải pháp hoàn thiện có tính ứng dụng và linh hoạt cao theo tình huống thực.
Hiện Viettel Cyberbot giúp các doanh nghiệp tối ưu được tới 40% nguồn lực chăm sóc khách hàng đồng thời nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng. Trong thời gian tới, Viettel Cyberbot sẽ phát triển trở thành nền tảng Trợ lý ảo tiếng Việt toàn diện, có thể đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của doanh nghiệp, triển khai hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng độc lập mà không cần có sẵn tổng đài nội bộ.
Theo đại diện của Trung tâm Không gian mạng Viettel, Viettel Telecom hiện đã triển khai Viettel Cyberbot trong chiến dịch cảnh báo hạn mức, chặn cắt viễn thông. Trung bình hàng tháng Viettel Telecom có 650 nghìn thuê bao phải cảnh báo hạn mức, tương đương 7,8 triệu thuê bao/năm và công ty đã sử dụng giải pháp nhắn tin SMS để gửi cảnh báo đến khách hàng. Sau bốn tháng triển khai Cyberbot, số lượng cuộc gọi thành công đạt tới 95.000 cuộc, giảm tỷ lệ chặn cước 50% so với khi chưa áp dụng, tiết kiệm chi phí nhân công đạt 67 triệu đồng /tháng, tương đương 800 triệu đồng/năm; Giảm số lượng cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ call-in phàn nàn từ khách hàng.
Tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT-TT cho rằng, ngoài giúp các doanh nghiệp trong hoạt động chăm sóc khách hàng, Viettel Cyberbot cũng sẽ là công cụ hỗ trợ truy vết hiệu quả trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19.
“Trong đợt dịch vừa rồi tại Hải Dương, nếu sử dụng chatbot để liên hệ với người dân hỏi xem họ có đến một địa điểm nào đó trong một thời điểm nhất định không thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức của ngành y tế và cán bộ tại địa phương phải gõ cửa từng nhà để truy vết”, ông Nguyễn Trọng Đường nhận định.
Ông cũng cho biết, nền tảng này có thể được ứng dụng trong việc trả lời các câu hỏi, thắc mắc của người dân về tình trạng sức khỏe.
Năm tính năng của Viettel Cyberbot giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề cho một hệ thống tổng đài tự động qua Callbot và Chatbot:
- Tương tác trực tiếp và ngay lập tức với từng khách hàng: Tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng tự động 24/7 một cách chuyên nghiệp.
- Tiếp cận khách hàng đa dạng trên các kênh: Thoại viễn thông, website, mạng xã hội, ứng dụng mobile, đồng nhất trải nghiệm thân thiện với người dùng.
- Khả năng mở rộng quy mô theo nhu cầu: Nâng cấp nhanh chóng tài nguyên để đáp ứng lên đến hàng triệu khách hàng qua hạ tầng điện toán đám mây (cloud service).
- Kiến trúc mở tích hợp nhanh chóng với các hệ thống nội bộ của doanh nghiệp: CRM, ERP, CMS một cách dễ dàng thông qua các API mở.
- Phân tích chuyên sâu, nhận diện cảm xúc khách hàng trong quá trình tương tác.