Đây là cuốn tiếp theo trong bộ sách Nguyễn Văn Huyên do Nhã Nam thực hiện từ năm 2016 đến nay, cùng với các cuốn “Văn minh Việt Nam” (2016), “Hội hè lễ tết của người Việt” (2017) và “Sinh hoạt của người Việt: cư trú - kiến trúc - hát đối” (2020).
Điểm đặc biệt của cuốn sách là hai nghiên cứu lần đầu được công bố gồm: “Nghiên cứu tập quán người Việt” và “Nghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu”. Do tình thế phức tạp những năm 1944-1945, các công trình này chưa có cơ hội được in thành sách, mà mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo của tác giả.
Trong cuốn sách “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt”, bên cạnh đơn vị làng/xã vốn đã được bản thân Nguyễn Văn Huyên điều tra, khảo tả rất kỹ lưỡng trong các công trình trước đây, lần này ông muốn nhìn địa lý hành chính ở một tầng bậc cao hơn qua hai đơn vị tỉnh và tổng.
Cuốn “Địa lý hành chính và tập quán của người Việt” tại Hiệu sách Nhã Nam. |
Đây cũng chính là hai đơn vị hành chính riêng khác với nhiều nét đặc thù của Việt Nam truyền thống, ở đó thể hiện rất rõ sự phân tầng và quản trị của chính quyền phong kiến trung ương, cũng đồng thời bộc lộ một cách sinh động nhất đời sống của người dân quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Khác với các học giả người Pháp, Nguyễn Văn Huyên có vị thế và điều kiện của một trí thức bản địa, cho phép ông thấu thị tất cả sự thống nhất lẫn phức tạp, hợp tác lẫn đấu tranh, giằng co giữa các làng/xã trong một tổng chung quanh một chiếc chiếu giữa chốn đình chung hay một cái ao, một khoảnh đất bồi có thể đem lại nhiều quyền lợi.
Cùng với các ghi chép, Nguyễn Văn Huyên còn cung cấp thông tin bằng cách vẽ bản đồ, phân tích số liệu, lập bảng biểu, sơ đồ,… qua đó cung cấp “một mỏ thông tin” như ông khẳng định. Vì thế, các kết quả nghiên cứu địa lý hành chính của ông đã vượt xa các ghi chép địa chí trước kia đồng thời đặt nền tảng cho các tri thức khoa học về Việt Nam truyền thống.
Một điểm đặc biệt nữa ở cuốn sách, như những công trình nghiên cứu trước đó của học giả Nguyễn Văn Huyên, là ông rất quan tâm, chú trọng đến các nội dung về phong tục tập quán ở những vùng đất mà ông khảo sát, thực địa. Không còn là những thông tin, tư liệu khô cứng, cuốn sách có những nội dung hấp dẫn đối với bạn đọc như câu chuyện kiện tụng nhau giữa hai làng khi người làng này sơ ý để vạt áo lấn qua phần chiếu của làng khác ngoài đình, hay câu chuyện vị tướng Lý Phục Man thời Lý Nam Đế được 18 làng thờ cúng… Có những câu chuyện toát lên tính hài hước, có những câu chuyện ẩn giấu những tầng lớp ý nghĩa, nhưng đều cho thấy những hiện thực về xã hội, con người trong giai đoạn bấy giờ.
Ngoài ra, thông qua những đặc thù về địa lý hành chính làng xã, Nguyễn Văn Huyên cho ta hiểu hơn sự sâu sắc trong những câu tục ngữ quen thuộc: “Đất công gần như gấp đôi đất tư. Cũng cần nói thêm rằng các mảnh đất phù sa này cực kỳ màu mỡ: mỗi năm có thể thu được đến 3.000-4.000 đồng hoa lợi trên mỗi mẫu đất bãi. Bởi vậy, các thành viên trong làng cũng thường tranh chấp nhau gay gắt về lợi ích chung. Một số câu tục ngữ phản ánh rất rõ tinh thần này, như: ‘Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp’, hoặc ‘Miếng thịt làng sàng thịt mua’”; “Người trong vùng vẫn còn bàn tán về một vụ kiện cáo nổi tiếng vào năm 1796 liên quan đến việc đánh bắt cá mà kết quả xử kiện có lợi cho Quế Dương. Câu ngạn ngữ ở địa phương ‘Đầm Kẻ Giá, cá Kẻ Sấu’ có lẽ diễn tả chính sự cay đắng này của người làng Yên Sở. Đầm thì của người Kẻ Giá, cá lại thuộc về người Kẻ Sấu”;…
PGS, TS Bùi Xuân Đính và BTV Đào Lê Tiến Sỹ chia sẻ về cuốn sách. |
PGS, TS Bùi Xuân Đính, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, Viện Dân tộc học, chia sẻ, học giả Nguyễn Văn Huyên là một trong những nhà dân tộc học đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản ở Pháp, và các công trình nghiên cứu của ông cũng mang đậm nét dấu ấn phương pháp nghiên cứu của Pháp, từ việc thiên về điền dã thực địa, khảo sát, quan sát và thu thập mọi thông tin, hệ thống theo từng thể loại…
PGS, TS Bùi Xuân Đính cũng cho biết, cách viết của học giả Nguyễn Văn Huyên rất có hồn, hấp dẫn và thể hiện những tìm hiểu tỉ mỉ của ông. Ông không chỉ vạch ra những bước đi đầu tiên mà còn mở ra những hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực dân tộc học.
Đào Lê Tiến Sỹ, người biên tập cuốn sách cho biết, cuốn sách được PGS, TS Nguyễn Văn Huy, con trai của học giả Nguyễn Văn Huyên trao cho ê-kíp biên tập với những lời dặn dò hết sức tỉ mỉ. Sách được thực hiện trong thời gian khá gấp gáp, cho nên cũng còn nhiều điều mà ê-kíp biên tập còn tiếc nuối vì chưa làm được.
“Bộ sách được thực hiện hết sức công phu, phải tra cứu nhiều vì bản gốc của học giả Nguyễn Văn Huyên là tiếng Pháp. Chúng tôi tiếc vì có nhiều địa danh cổ trong sách vẫn chưa thể cập nhật được tên gọi ngày nay cho bạn đọc rõ hơn, vì điều kiện thời gian gấp gáp”, Biên tập viên Đào Lê Tiến Sỹ cho biết.
Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một trong những học giả lớn hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Các công trình của ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hình nên vốn hiểu biết căn bản về dân tộc và xã hội Việt Nam với những ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay.
Cuốn sách được xuất bản với sự tài trợ của Quỹ đổi mới sáng tạo (VINIF).