Ra mắt chương trình Thạc sĩ Di sản học đầu tiên

NDO -

NDĐT- Chương trình đào tạo Di sản học ở bậc thạc sĩ với định hướng liên ngành lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu phát huy các giá trị di sản theo hướng bền vững cho đất nước.

Khen thưởng các gương mặt tiêu biểu trong buổi lễ ra mắt chương trình Thạc sĩ Di sản học
Khen thưởng các gương mặt tiêu biểu trong buổi lễ ra mắt chương trình Thạc sĩ Di sản học

Sáng 30-11, Khoa Các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội tổ chức lễ ra mắt chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học, thông báo tuyển sinh khoá đầu tiên. Chương trình Thạc sĩ di sản học hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với tư duy và cách tiếp cận liên ngành để làm việc trong lĩnh vực di sản, phát huy các giá trị di sản của đất nước theo hướng bền vững.

PGS,TS Nguyễn Văn Hiệu - Phó Chủ nhiệm Khoa cho biết, Khoa Các Khoa học liên ngành với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực và khả năng huy động sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đã bắt đầu xây dựng Chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học từ năm 2017. Đã nhiều nhà khoa học đến từ các lĩnh vực chuyên môn: xã hội - nhân văn, tự nhiên, kinh tế - luật, kiến trúc - xây dựng, công nghệ…. tham gia đóng góp cho chương trình. Sau các buổi hội thảo chuyên môn và các cấp thẩm định, đến tháng 11-2019, Chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học đã chính thức được ĐHQGHN ban hành.

Chương trình đào tạo được xây dựng theo cấu trúc mô-đun học phần, bao phủ tất cả các khía cạnh của di sản từ nền tảng - bối cảnh di sản, giá trị di sản, quản lý và bảo tồn di sản bền vững đến thực hành di sản dựa trên các trụ cột kiến thức khoa học xã hội - nhân văn, khoa học tự nhiên, kiến trúc – xây dựng và công nghệ.

Tham gia xây dựng và giảng dạy cho Chương trình là các nhà khoa học đang hoạt động tích cực trong các lĩnh vực liên quan đến di sản, công tác tại các trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý di sản như Hội đồng Di sản quốc gia, UNESCO, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu và các trường đại học trong lĩnh vực di sản, văn hóa, bảo tồn, bảo tàng…

Chương trình cũng nhận được sự quan tâm, hợp tác của các đơn vị bảo tồn và quản lí di sản như Ban quản lý di tích và danh thắng các cấp, bảo tàng, thư viện và vườn quốc gia, tạo điều kiện cho người học tiếp cận và giải quyết các vấn đề thực tiễn về di sản dưới sự dẫn dắt, tư vấn của các giảng viên, chuyên gia đầu ngành.

Chương trình hướng đến đối tượng người học đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực và vị trí công tác tại các cơ quan quản lývà bảo tồn di sản, cơ quan nghiên cứu và đào tạo về di sản, cơ quan báo chí và truyền thông, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp nhằm cung cấp khả năng nhận diện các vấn đề liên quan đến di sản cũng như khả năng đề xuất các giải pháp, vận dụng các công cụ hỗ trợ và năng lực tổ chức, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn về di sản.

"Khoa sẽ tiến hành tuyển sinh hai đợt trong một năm. Toàn bộ thời lượng chương trình đào tạo gói gọn trong 64 tín chỉ với hình thức học cuốn chiếu, thuận tiện cho học viên và giảng viên"- PGS,TS Nguyễn Văn Hiệu cho biết.