Trên tầng chóp cùng tháp canh lửa cao 32m đặt ngay khu hành chính, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ Trần Công Hoằng cho hay, thời điểm này năm trước, một số khu vực trong lâm phần đã xuất hiện cảnh báo cháy đến cấp 4, nhưng hiện tại, toàn lâm phần chưa có diện tích bị khô hạn.
Lo sớm, phòng xa
Tại Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ rộng hơn 8.500ha, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, một trong những khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Khi mùa mưa vừa kết thúc, đơn vị chủ rừng tại đây chủ động đắp gần 30 đập lớn, nhỏ để giữ nước phòng cháy rừng mùa khô. "Nhờ chủ động từ sớm mà đến nay, mực nước trên rừng nơi cao bình quân 15cm, nơi trảng thấp bình quân còn đến 50cm. Nước dưới các kênh trong rừng còn từ hơn 2,6 đến 2,8m", ông Trần Công Hoằng cho biết.
Ðến nay, xe cơ giới có thể lưu thông một chiều thuận lợi trong suốt hệ thống đường nội bộ phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. Chủ rừng vận hành thuần thục hai camera giám sát lửa chuyên dụng, quan sát bao quát khoảng 1/3 diện tích toàn khu, truyền tín hiệu về Trung tâm kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng thông qua hệ thống âm thanh và còi báo động. Hệ thống "mắt thần" trên hỗ trợ đắc lực cho chủ rừng phát hiện kịp thời các điểm phát lửa ở những nơi xa, tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao trong mùa khô.
Ban Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết, trong mùa khô 2022-2023, ngoài chủ động đắp trước các đập giữ nước, đơn vị đã bố trí xong 17 chòi canh lửa cố định; 26 máy liên lạc; 21 vỏ máy (phương tiện đường thủy) các loại; 13 máy bơm với gần 7.500m vòi chữa cháy; dọn kênh thông thoáng gần 128km và đường băng cản lửa 16km. Tổng lực lượng ứng trực thường xuyên là 80, khi cần có thể huy động đến 1.000 người…
Ông Trần Văn Hiếu, Ðội trưởng Ðội Quản lý bảo vệ rừng số 23-100, thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết: "Các thành viên trong đội được phân công, chia ca trực tại chòi quan sát và đi tuần tra hằng ngày đề phòng trường hợp người dân vào rừng ăn ong, bắt cá, săn bắt động vật trái phép… Lực lượng ứng trực luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm thế luôn sẵn sàng nhằm chủ động thông tin, nắm bắt tình hình, bảo đảm giữ rừng an toàn trong mùa khô".
Trước đó, trong mùa khô 2021-2022, nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, lâm phần Vườn quốc gia U Minh Hạ bảo đảm an toàn, không để xảy ra cháy rừng. Ngay từ đầu mùa khô 2022-2023, Vườn quốc gia U Minh Hạ triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng, thực hiện tốt quy chế phối hợp, chủ động phòng cháy, chữa cháy theo phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Nơi đây còn thành lập tổ tuần tra thường xuyên và tổ lưu động để tăng cường tuần tra, quản lý chặt người dân ra vào rừng trái phép nhằm loại trừ đến mức thấp nhất nguy cơ cháy có thể xảy ra, nhất là vào những tháng cao điểm mùa khô.
Sẵn sàng trong mọi tình huống
Lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau hơn 41.000ha. Ðây là nơi có diện tích rừng ngập ngọt lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nhiều năm liên tục, Cà Mau là điểm sáng ở khu vực và cả nước khi rất ít để xảy ra cháy rừng vào những tháng khô hạn. Có được kết quả trên, một phần rất lớn nhờ tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng.
Ông Huỳnh Ngọc Cung, ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Rừng giúp chúng tôi có thu nhập nên chúng được coi là tài sản chung. Do đó, người dân trong xóm đã ký phối hợp 5 năm với chính quyền và chủ rừng trong việc bảo vệ rừng mùa khô. Chúng tôi tự nguyện cam kết không đốt đồng, không chặt phá cây rừng, không khai thác mật ong và săn bắt động vật hoang dã trái phép, tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng khi được huy động".
Tại huyện U Minh, nơi có diện tích rừng tràm lớn nhất Cà Mau, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được xác định là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong dân về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng được duy trì thường xuyên. Ngành chức năng liên tục tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng thực hiện tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh An (huyện U Minh) Phạm Văn Hiếu, chia sẻ, địa phương đã lập danh sách và bố trí các hộ dân tham gia trực lửa tại các chòi canh lửa theo quy định trong suốt mùa khô, thời gian trực từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Trong thời gian cao điểm, nắng nóng kéo dài, có thể trực từ 6 giờ đến 18 giờ cùng ngày.
Ðược giao quản lý, bảo vệ gần 50% lâm phần rừng tràm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong mùa khô 2022-2023, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đưa vào vận hành 18 tổ máy bơm các loại; 27 chòi quan sát lửa; 38 vỏ composite, hàng chục nghìn mét vòi chữa cháy cùng nhiều thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Tại cửa rừng, các tuyến đường lưu thông thủy, bộ xuyên rừng và các khu vực trọng điểm dễ cháy, đơn vị này cắm biển tuyên truyền, cảnh báo cháy theo từng thời điểm để cảnh báo và nâng cao ý thức của người dân. Ðơn vị đã xây dựng phương án một số tình huống giả định chữa cháy rừng cấp cơ sở theo phương châm "bốn tại chỗ" và tình huống cháy phức tạp nhất cần phải xin Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh huy động nhiều lực lượng, phương tiện để xử lý nhằm đáp ứng mục đích, yêu cầu nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.
"Nhờ chuẩn bị tốt ngay đầu mùa khô nên chúng tôi tin tưởng sẽ đáp ứng tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023", ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, quả quyết.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa khô 2022-2023 kéo dài từ tháng 12/2022-5/2023, nhiệt độ trung bình tại khu vực Nam Bộ thấp hơn trung bình năm trước khoảng 0,5oC. Riêng khu vực rừng tràm U Minh Hạ, dự báo mùa khô năm nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Từ đầu mùa khô 2022-2023, ngành chức năng Cà Mau đã tiến hành đắp 86 cống, đập lớn, nhỏ để giữ nước ngọt phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Các đơn vị chủ rừng cũng chủ động sửa chữa và trang bị mới 122 máy bơm nước chữa cháy các loại với hơn hàng nghìn mét vòi chữa cháy; bố trí sẵn 115 vỏ máy các loại, 81 máy Icom phục vụ công tác thông tin liên lạc...
Tại các khu vực rừng tràm, các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng chủ động phát quang hơn 218km các tuyến giao thông đường bộ, tạo đường băng cản lửa, khơi thông lòng kênh ở khu vực được giao khoán với tổng chiều dài hơn 196km, giúp thuận tiện hơn trong tuần tra, vận chuyển trang thiết bị chuyên dụng. Cơ quan chức năng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng và các đơn vị chủ rừng; đồng thời ký phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng với các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng và gần 5.000 hộ dân các xã có rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải cho biết: "Với quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, các đơn vị chủ rừng luôn trong tâm thế sẵn sàng với hơn 530 nhân lực luân phiên ứng trực tại 69 chòi canh lửa. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi có thể huy động lực lượng lên đến hơn 5.000 người nhằm khống chế và dập tắt ngay đám cháy khi mới khởi phát…"