Theo PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), việc lựa chọn chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm nay cho thấy công cuộc phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của người dân và tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi. Mặt khác, cách tiếp cận cũng như những dịch vụ can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cần đa dạng, phong phú và thiết thực hơn.
Tính đến tháng 9/2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV và 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (47,3%) và 30 - 39 (28,2%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%); đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%).
Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 9/2023 có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% (năm 2010) xuống còn 6,4%; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính, khi tăng từ 47,5% (năm 2010) lên 84,4% (năm 2022) và 75,1% (tháng 9/2023).
Đáng chú ý, dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới (kết quả giám sát trọng điểm cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ tại Hà Nội là 5,8% năm 2022; tại Thành phố Hồ Chí Minh là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Xu thế và tình hình dịch HIV/AIDS có sự thay đổi mạnh, cho nên chủ đề Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS được nêu ra để khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Chủ đề của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS đã và đang được lan tỏa đến từng người dân, đến từng ngõ nhỏ, bản làng... cũng như đến các bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội, nhất là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Tại các địa phương trên cả nước, từ tháng 10 đã tổ chức triển khai đợt truyền thông lưu động từ cấp xã, cấp huyện, đến thành phố với các hoạt động như: mít-tinh và diễu hành quần chúng tại các tuyến phố chính, nhà văn hóa, hội trường... và được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia. Ngoài lễ mít-tinh, các địa phương đã tổ chức các sự kiện phối hợp như: diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện tặng quà cho người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Tại các địa phương, các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS cũng được tăng cường kết hợp với bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, nhất là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.
Đồng thời giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Việc mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi-rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân... cũng từng bước được mở rộng.
Sau hơn hai năm dịch Covid-19 đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, do vậy, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có các hoạt động thiết thực hưởng ứng như: mít-tinh, tổ chức buổi sinh hoạt truyền thông cho học sinh, sinh viên trên địa bàn; tổ chức các hội nghị hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế; đánh giá hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Các sở, ngành liên quan cũng như các quận, huyện và TP Thủ Đức có công văn nêu rõ việc tổ chức các hoạt động phải phù hợp tình hình, đặc điểm của đơn vị và tùy từng đối tượng cụ thể sẽ lựa chọn các nội dung, hình thức truyền thông khác nhau.
PGS, TS Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh, nếu công cuộc phòng chống HIV/AIDS chỉ dựa trên hệ thống y tế sẵn có thì không thể thành công được, trong khi chỉ còn bảy năm nữa là chúng ta phải chấm dứt dịch HIV/AIDS. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng thì chúng ta khó có thể kiểm soát được dịch HIV/AIDS.
Chính vì vậy, Tháng hành động năm nay, Việt Nam chọn chủ đề cộng đồng như là điểm mấu chốt để mở rộng nhanh các dịch vụ từ việc ứng dụng các sáng kiến trong cộng đồng.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, người đứng đầu ngành y tế đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả.
Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Về phía ngành y tế, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV. Đối với các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật. Sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học-kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt từ đó Việt Nam có thể sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra.