Quyết liệt ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao

Sau hơn ba năm thành lập, Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Quảng Ninh đã phát hiện và khởi tố 25 vụ, 57 bị can. Trong đó, đã bắt quả tang bảy đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản và một đối tượng trong đường dây chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook.

Cán bộ, chiến sĩ Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao trao đổi nghiệp vụ.
Cán bộ, chiến sĩ Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao trao đổi nghiệp vụ.

Trung tá Phạm Ðình Nghĩa, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Ðội được thành lập vào tháng 11-2015, chính thức đi vào hoạt động tháng 1-2016. Ngày đầu thành lập, đội chỉ có năm cán bộ, chiến sĩ, chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn mới cho nên từ chỉ huy đến chiến sĩ đều rất lo lắng. Tuy nhiên, mọi người đều có chung một suy nghĩ và quyết tâm cao, đó là càng khó thì càng phải cố gắng, vừa làm vừa bổ sung kiến thức. Ðến thời điểm này, Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có tổng số chín cán bộ, chiến sĩ với đủ các chuyên ngành cần thiết.

Chỉ sau hai tháng thành lập, Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác lập chuyên án 316L phối hợp với Công an TP Cần Thơ khởi tố, bắt giữ nhóm bốn đối tượng (trong đó có một đối tượng quốc tịch Ni-giê-ri-a) sinh sống tại các tỉnh phía nam. Các đối tượng này câu kết với nhau sử dụng mạng xã hội Facebook để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của nhiều nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tại Quảng Ninh, đã có chín nạn nhân bị sập bẫy với tổng số tiền bị lừa hơn bốn tỷ đồng.

Trước thực trạng hành vi lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng tinh vi khiến cho nhiều người sập bẫy, bị chiếm đoạt số tiền lớn, Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo nêu trên để có biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, lực lượng công an còn triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.

Từ thông tin thu thập được, tháng 5-2017, Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục xác lập chuyên án 517L đấu tranh với nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Ðể dụ "con mồi" vào bẫy, các đối tượng lập tài khoản Facebook giả danh là doanh nhân ngoại quốc, hay kỹ sư, sĩ quan quân đội Mỹ đang công tác tại nước ngoài làm quen, kết bạn với các phụ nữ. Sau một thời gian nhắn tin qua lại, những doanh nhân, sĩ quan "rởm" này sẽ ngỏ lời yêu đương, hứa hẹn gửi quà kèm tiền mặt giá trị lớn cho nạn nhân. Lúc đó, các đối tượng người Việt Nam sẽ giả danh nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu bị hại chuyển tiền để nhận hàng với nhiều lý do khác nhau. Do tin tưởng và nghĩ mình sẽ được nhận quà, nạn nhân đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng yêu cầu. Ðến khi số tiền lên tới hơn hai tỷ đồng mà quà không thấy, biết bị lừa, nạn nhân mới đến trình báo cơ quan công an. Ðội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã cử các tổ công tác trực tiếp xác minh ở nhiều tỉnh, thành phố, đồng thời phối hợp Cục Nghiệp vụ Bộ Công an bắt giữ Trần Thị Bích Tuyền, sinh năm 1982, trú tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, đối tượng trong đường dây lừa đảo này.

Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, thủ đoạn liên tục thay đổi. Tại Quảng Ninh, đã xảy ra nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng và phức tạp. Nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức, như: lừa đảo qua Facebook, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan nhà nước, lừa đảo qua các giao dịch thương mại điện tử. Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; mua bán, trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người khác để chiếm đoạt tài sản; tội phạm đánh bạc bằng các hình thức lô đề, cá độ bóng đá qua in-tơ-nét. Ðáng chú ý, có một số đối tượng người Trung Quốc thực hiện hành vi trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ để chiếm đoạt tài sản.

Từ năm 2011 đến nay, Công an Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 17 vụ việc liên quan tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, xác lập, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an phá bốn chuyên án, bắt giữ 41 đối tượng (bàn giao cho Công an Trung Quốc 39 đối tượng), trao đổi hai vụ việc với Công an các tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh để điều tra khởi tố, xử lý hành chính tám vụ. Từ kết quả đấu tranh cho thấy, có những vụ án phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, thiết bị phạm tội lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Trong những vụ án này, các đối tượng không những có nhiều cách để che giấu hành vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng, mà quy mô, tính chất cũng vô cùng nghiêm trọng. Ðiển hình như: lắp đặt trạm VSAT, vi-ba, thiết bị thu phát sóng ngắn UHF lợi dụng vùng chồng lẫn sóng viễn thông giữa Móng Cái (Việt Nam) và Ðông Hưng (Trung Quốc) để hoạt động kết nối đường truyền in-tơ-nét tốc độ cao, vận chuyển sim, thẻ điện thoại trái phép qua biên giới để trộm cắp cước viễn thông quốc tế, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tiền, sử dụng thẻ tín dụng giả của người nước ngoài. Hiện nay, hầu hết các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng chủ mưu thường là người nước ngoài. Hành vi bọn tội phạm này thường sử dụng là dùng sim rác hoặc sử dụng các cuộc gọi qua in-tơ-nét bằng giao thức VOIP, cho nên việc phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng cầm đầu không hề đơn giản. Các tài khoản ngân hàng sử dụng để nhận tiền thường là do đối tượng mua, thuê người khác đứng tên. Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng luân chuyển vòng vèo qua nhiều tài khoản khác nhau rồi chuyển qua nước ngoài để chiếm đoạt. Trong hầu hết các vụ án, từ khi bị hại chuyển tiền đến lúc phát hiện mình bị lừa là cả một quãng thời gian kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng, dẫn đến việc ngăn chặn thiệt hại không đạt kết quả. Chính vì thế, người dân cần hạn chế đưa thông tin cá nhân, thông tin về tài khoản ngân hàng trên các trang mạng xã hội nếu thấy không thật sự cần thiết, không chuyển tiền vào tài khoản mà mình chưa biết rõ người nhận, phải cảnh giác khi có người yêu cầu đăng nhập vào trang web lạ để xác nhận việc nhận tiền. Tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ, thông tin mã giao dịch (OTP) gửi qua điện thoại hoặc thư điện tử từ các đối tượng khả nghi hoặc chưa được xác thực; tin nhắn từ người thân, bạn bè qua các trang mạng xã hội; thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập internet banking, mã PIN thẻ ATM rút tiền... Khi phát hiện nghi vấn phải thông tin ngay cho cơ quan công an gần nhất.