Quyết liệt, đồng bộ trong chống buôn lậu, hàng giả

Với xu thế hội nhập quốc tế cùng đời sống kinh tế-xã hội ngày càng được nâng cao, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các thương hiệu, sản phẩm và hàng hóa nước ngoài. Song bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của Việt Nam cũng phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị tiêu hủy hàng hóa vi phạm. (Ảnh THU HÀ)
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị tiêu hủy hàng hóa vi phạm. (Ảnh THU HÀ)

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, làm thất thu ngân sách, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây hoang mang, mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, cần đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho các lực lượng chức năng bằng việc vào cuộc quyết liệt, với giải pháp đồng bộ.

Hiệu quả chưa được như mong muốn

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong quý I/2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ: 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022); 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022); 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022); đặc biệt, đã khởi tố hình sự 278 vụ với 679 đối tượng.

Kết quả trên cho thấy, số vụ việc vi phạm đã giảm sâu với nhiều vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.

Mặc dù đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi.

Đáng chú ý, sự phát triển của thương mại điện tử đã khiến việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và kinh doanh qua internet quá dễ dàng, vô tình tạo điều kiện cho hoạt động mua bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng khai báo gian dối về giá cả phát triển mạnh. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí, các đối tượng còn lợi dụng hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh người, phương tiện để buôn lậu hàng hóa.

Theo chia sẻ của Tổng Thư ký Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, Nguyễn Triết, trong khi việc sản xuất, kinh doanh thuốc lá trong nước được quản lý chặt chẽ bởi các quy định nghiêm ngặt, thì thuốc lá nhập lậu dường như đang “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật. Thuốc lá nhập lậu hiện đang “trốn” được tất cả các loại thuế. Việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu được xem là siêu lợi nhuận, do đó các đối tượng buôn lậu bất chấp nguy hiểm để đưa thuốc lá lậu vào nước ta.

Đáng chú ý, đối tượng buôn lậu chia nhỏ số lượng (dưới 1.500 bao thuốc) mỗi chuyến vận chuyển để né tránh bị xử lý hình sự nếu bị lực lượng chức năng bắt giữ. Thậm chí, nếu bị bắt giữ, chúng sẵn sàng dùng hung khí, vũ khí nóng để chống trả cướp hàng, tẩu thoát. Vì vậy, để công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, chống gian lận thương mại đạt hiệu quả cao, các cơ quan chức năng cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong việc tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới; có biện pháp xử lý quyết liệt nhằm tạo tính răn đe. Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức không tiếp tay cho hàng hóa nhập lậu.

Tạo sự thống nhất, đồng lòng trong phối hợp

Hạn chế trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật,… Một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, sơ hở; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và giữa cơ quan chức năng với doanh nghiệp chưa đồng bộ, hiệu quả.

Chưa kể hiện nay, các chế tài xử phạt chưa theo kịp thực tiễn, chủ yếu xử phạt hành chính, thiếu tính răn đe, dẫn đến hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, chưa nhận thức hết tác hại của việc mua, sử dụng hàng giả, hàng nhái, hoặc vẫn có nhiều người dân, nhất là cư dân biên giới sẵn sàng tiếp tay, mang vác hàng lậu qua biên giới, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong xử lý. Đáng nói là sự vào cuộc của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng liên quan có lúc, có nơi chưa cao, chưa đồng bộ, quyết liệt.

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Nguyễn Đăng Sinh cho biết, có nhiều khó khăn vướng mắc trong phối hợp khi xử lý các vụ việc vi phạm như: khó khăn trong xác định kho hàng, chủ sở hữu hoặc công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý thị trường,… Thủ đoạn kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi phức tạp.

Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, tại các khu chung cư cao tầng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Kinh phí phục vụ trong công tác điều tra, xác minh, giám định, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc kéo dài thời gian xử lý vụ việc. Các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho lực lượng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu thiếu so với thực tế khi tình hình hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp,...

Hệ lụy của nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rất lớn, tuy nhiên việc đấu tranh với vấn đề này lại gặp không ít thách thức nếu doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức, cơ quan chức năng thực thi pháp luật không thống nhất, đồng lòng phối hợp đấu tranh. Cần tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nâng cao sự hiểu biết về hệ lụy của hàng nhái, hàng giả, hàng lậu với chính sức khỏe của họ; cũng như tác động tiêu cực tới hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính. Đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu để người tiêu dùng hiểu được tác động tiêu cực khi họ sử dụng những sản phẩm bất hợp pháp.