Định hướng xây dựng, phát triển đất nước-lý luận và thực tiễn

Quyết liệt chống giặc “nội xâm”, bảo vệ thành quả phát triển

Bước vào thềm xuân mới, nhân dân ta vui mừng đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tiếp tục đạt những kết quả to lớn, khá toàn diện và rất đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; thách thức mới xuất hiện nhiều hơn so với dự báo. Với ý chí, đồng lòng quyết tâm cao, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chúng ta vừa tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.

Theo thông tin từ Chính phủ, kinh tế đất nước tiếp tục là điểm sáng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt hơn 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu GDP của nước ta đạt mức 430 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đảng ta dự báo tình hình từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII, bên cạnh những thuận lợi cũng sẽ còn nhiều khó khăn. Chúng ta cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nhanh, bền vững.

Khi mà phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là sự thách thức lớn cho công cuộc phát triển đất nước, đã và đang diễn ra hết sức cam go quyết liệt với sự mong chờ ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương.

Cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là cẩm nang về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cung cấp hệ thống cơ sở lý luận-thực tiễn quan trọng để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Với tác phẩm nêu trên, Tổng Bí thư đã có góc nhìn rất khách quan và toàn diện về tình trạng tham nhũng, chỉ rõ đây là căn bệnh đồng hành và tồn tại ở mọi nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị, không phải chỉ có ở chế độ một đảng duy nhất cầm quyền như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây cũng chính là định hướng quan trọng để Đảng và Nhà nước ta xác định phương châm kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế cũng cho thấy, tham nhũng, tiêu cực gây nên những “tác hại tiềm ẩn, khôn lường… làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ”, nó lại “diễn ra đối với những người có chức, có quyền”.

Từ đó cần đặc biệt coi trọng đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng, nếu đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục… với mục tiêu lớn là thúc đẩy kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân.