Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 75 năm qua, Quảng trường Ba Đình trở thành nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, dân tộc Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 75 năm qua, Quảng trường Ba Đình trở thành nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, dân tộc Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Quốc khánh 2/9: Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai

NDO - Mặc dù đã 77 năm trôi qua, nhưng những ký ức về ngày Quốc khánh đầu tiên vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ ông Nguyễn Tiến Hà, một trong những thành viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Những ngày mùa thu sục sôi

Ông Nguyễn Tiến Hà, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh ra trong 1 gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông còn có người anh trai thứ hai là Nguyễn Hữu Văn, đã từng là cận vệ và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Tạ Quang Chiến.

Ở tuổi 95, ông Hà vẫn đặc biệt minh mẫn và “mặn chuyện” mỗi khi có khách tới hỏi về những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử. Là một trong những thành viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, ông vinh dự được chứng kiến và góp sức mình vào ngày Tết Độc lập đầu tiên của Tổ quốc gần 80 năm về trước.

Trầm giọng một chút, ông bắt đầu kể, trước ngày Cách mạng Tháng Tám diễn ra, nhân dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sống trong cảnh vô cùng đau thương. Hơn ai hết, chàng trai 19 tuổi Nguyễn Hữu Tự khi ấy vừa đi qua nạn đói lịch sử năm 1945 thấm thía cảnh “người chết nằm như ngả rạ, xe bò chuyên chất xác người gom đưa xuống nghĩa trang”.

Quốc khánh 2/9: Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai ảnh 1

Mặc dù đã 77 năm trôi qua, nhưng những ký ức về Ngày lễ Quốc khánh đầu tiên vẫn chưa phai mờ trong tâm trí người cựu chiến sĩ cứu quốc thành Hoàng Diệu. (Ảnh: Sơn Bách)

Tình yêu nước, lòng căm thù quân thù khiến ông luôn đau đáu: “Cần phải làm gì đó để góp sức giải phóng dân tộc. Bởi nếu cảnh này vẫn còn tiếp diễn, rồi sẽ lần lượt sẽ đến người thân của mình sẽ mất”.

Với quyết tâm ấy, đáp lại lời hiệu triệu non sông của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta chứ không dựa vào lực lượng nào”, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Tự đã tình nguyện tham gia vào Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Tháng 8/1944, tại 46 phố Bát Đàn, 1 tổ chức với nhiệm vụ “xung kích” được ra đời, mang tên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đoàn gồm 60 đoàn viên, trong đó có rất đông học sinh các trường như Thăng Long, Bưởi, Gia Long, Đồng Khánh… tham gia.

Thời gian đầu, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu hoạt động bí mật, nên có không ít đoàn viên đã đổi tên khác, như Nguyễn Hữu Phúc đổi thành Lê Đức Vân, Nguyễn Hữu Tự thành Nguyễn Tiến Hà. Những “bí danh” được đổi này đã theo các thành viên đến tận hơn 70 năm về sau, cho tới tận bây giờ.

Quốc khánh 2/9: Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai ảnh 2

Với ông Hà, được chứng kiến và hòa mình vào không khí náo nức trong ngày hội non sông 77 năm về trước là một niềm hạnh phúc và tự hào khó tả. (Ảnh: Sơn Bách)

Ngừng lại một chút, ông kể, thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám, khi chưa có Chính phủ lâm thời, Đoàn thanh niên là lực lượng chủ chốt, nhận nhiệm vụ bảo vệ các hoạt động bí mật, các cuộc họp bàn kế hoạch.

Với nhân dân, Đoàn thanh niên là những người bảo vệ, tránh nạn cướp bóc xảy ra. Các thành viên cũng có nhiệm vụ đi sâu vào quần chúng để giải thích, vận động bà con hiểu rõ tôn chỉ mục đích của Mặt trận Việt Minh.

Ngoài ra, 1 nhiệm vụ quan trọng khác của Đoàn thanh niên là tham gia diệt giặc dốt, bí mật vận động người dân tham gia cách mạng.

Trước ngày 2/9/1945, các thành viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cùng một số tổ chức khác nhận nhiệm vụ đặc biệt: đi thông báo, vận động nhân dân tham dự lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Biết tin, tất cả đều hồ hởi và mong mỏi từng giờ để được chứng kiến giờ phút trọng đại nhất của cả dân tộc.

“Tâm trạng chung của toàn dân đều sục sôi như 1 ngọn đuốc đang rực cháy. Ai cũng nóng lòng muốn đi dự để xem đất nước chuyển mình và tận mắt nhìn người lãnh đạo của dân tộc".

“Tâm trạng chung của toàn dân đều sục sôi như 1 ngọn đuốc đang rực cháy. Ai cũng nóng lòng muốn đi dự để xem đất nước chuyển mình và tận mắt nhìn người lãnh đạo của dân tộc”, ông hồi tưởng.

Cả tối 1/9, ông không sao ngủ được. Sớm hôm sau, ông dậy thật sớm, mặc trang phục chỉnh tề rồi cùng các thành viên khác của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu hướng ra phía Quảng trường Ba Đình. Phía trước, hàng chục vạn người từ khắp nơi cũng đã có mặt. Không chỉ ở nội thành, nhân dân các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, thậm chí Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam… cũng đổ dồn về quảng trường lịch sử.

Quốc khánh 2/9: Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai ảnh 3

Đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào vườn hoa Ba Đình, nơi cử hành lễ "Ngày Độc lập". (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Một ngày hội thực sự của non sông. Thanh niên cứu quốc thì mặc đồng phục quần xanh, áo trắng. Những thiếu nữ thủ đô thướt tha tà áo dài. Dân quân mặc áo nâu, thắt lưng chẽn. Phụ nữ nông thôn vấn tóc, khoác áo tứ thân. Trong khoảnh khắc, cả người ông Tự như run lên. Niềm tin và hy vọng bừng cháy trong sáng mùa thu đặc biệt.

Chiều cùng ngày, lễ Tuyên ngôn Độc lập chính thức được bắt đầu. Bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được trang trọng cử hành tại buổi lễ. Phía trên lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu thành viên Chính phủ lâm thời bước ra cất tiếng hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Ngay lập tức, biển người phía dưới đồng thanh đáp: “Có”.

“Mọi người đều bất ngờ vì Bác vô cùng giản dị, dáng người gày gò, có phần khắc khổ. Người mặc bộ quần áo kaki vàng đã cũ. Nghe câu hỏi của Bác khi đó, tôi vô cùng xúc động. Câu hỏi giản dị này đã nối liền khoảng cách giữa Hồ Chủ tịch với nhân dân, tạo thành 1 khối liên kết bền chặt giữa lãnh tụ và quần chúng, để đất nước ta bước vào 1 trang sử mới”, ông Hà bồi hồi chia sẻ.

Nghĩ về quá khứ để vững bước tới tương lai

Nối tiếp bước chân thế hệ cha anh, đến lượt mình, thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc bằng niềm tự hào và tình yêu với Tổ quốc non sông.

Anh Nguyễn Văn Quyết, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Với thế hệ trẻ, ngày 2/9 là 1 ngày vô cùng đặc biệt mà chỉ cần nghĩ tới thôi, lớp trẻ đã rạo rực và chỉ muốn cất vang lên những lời ca về Tổ quốc thân yêu”.

Quốc khánh 2/9: Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai ảnh 4

Anh Nguyễn Văn Quyết, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bày tỏ niềm tự hào trong ngày 2/9. (Ảnh: Phan Thạch)

“Mặc dù không được trực tiếp chứng kiến ngày Quốc khánh 2/9 đầu tiên của dân tộc, nhưng trong tôi vẫn cảm nhận ra không khí hào hùng ấy, ngày mà có lẽ chỉ có những niềm vui, nụ cười, rợp sắc cờ hoa và những câu khẩu hiệu và biểu ngữ… 77 năm qua đi, nhưng thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lời tuyên bố dõng dạc với quốc dân và nhân dân thế giới, vẫn như vang vọng khắp không gian, khắc ghi sâu đậm trong tim mỗi người lời tuyên ngôn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, anh Quyết bồi hồi.

Chị Nguyễn Thị Diệp Anh, Bí thư Đoàn phường Cống Vị (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng có chung cảm nhận. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, chị Diệp Anh cho hay: “Trong tưởng tượng và hình dung của mình, lúc đó Thủ đô Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ dưới ánh nắng của ngày thu, tung bay trên mái nhà, những rặng cây. Mọi hoạt động thường ngày tạm ngưng lại. Đồng bào già, trẻ, gái, trai đều xuống đường, đường phố rất đông, mọi nẻo đường đều hướng về vườn hoa Ba Đình, nơi cử hành lễ "Tuyên ngôn Độc lập". Những nụ cười chực chờ sẵn trên môi, với lòng chứa chan niềm hy vọng. Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước. Trong lòng tôi dậy lên niềm tự hào, hân hoan nhưng cũng bùi ngùi, xúc động khi nghĩ đến Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc”.

Quốc khánh 2/9: Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai ảnh 5
Trong ngày lễ Quốc khánh lần thứ 77, nghĩ về quá khứ để vững bước hơn trong hiện tại và hướng tới tương lai, những người trẻ như anh Quyết, chị Diệp Anh bày tỏ quyết tâm nối bước cha anh để cùng xây dựng đất nước thêm giàu đẹp. (Ảnh: Phan Thạch)

Trong ngày lễ Quốc khánh lần thứ 77, nghĩ về quá khứ để vững bước hơn trong hiện tại và hướng tới tương lai, những người trẻ như anh Quyết, chị Diệp Anh bày tỏ quyết tâm nối bước cha anh để cùng xây dựng đất nước thêm giàu đẹp.

“Là đại diện cho thế hệ trẻ, chúng tôi và tất cả các bạn trẻ luôn muốn dành những lời biết ơn của bản thân mình với sự lãnh đạo của Đảng, đã đưa cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam đi tới thắng lợi, đi đến hòa bình và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày nay. Giờ đây, thế hệ trẻ chúng ta phải hiểu rõ được những giá trị của bản thân để tự mình quyết định tương lai của mình, dùng trí tuệ và sức trẻ để tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử hào hùng cho quê hương tổ quốc, khẳng định hình ảnh và vị thế lớn mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế”, anh Quyết nhấn mạnh.

Video cảm xúc của thế hệ trẻ về ngày Tết Độc lập

back to top