Tuyên ngôn Độc lập:

Thời khắc lịch sử và ý nghĩa trường tồn

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc và sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, đến nay, vẫn vẹn nguyên giá trị.

Một tuần gấp rút chuẩn bị cho ngày lập nước và viết Tuyên ngôn Độc lập

Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội đã tạo nên chuyển biến nhảy vọt của Tổng khởi nghĩa, đồng thời tạo điều kiện để Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp tục chỉ đạo Tổng khởi nghĩa, xúc tiến chuẩn bị ngay cho việc ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiến hành các hoạt động đối ngoại.

Ngày 21/8/1945, nhiều ủy viên Trung ương Đảng đã về Hà Nội. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) về tới Hà Nội.

Sau khi nghe báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội, chiều 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ tọa phiên họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tổ chức tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, để bàn những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí với chủ trương của Ban Thường vụ mở rộng thành phần Ủy ban giải phóng dân tộc và sớm công bố danh sách của Ủy ban cho toàn dân biết, chuẩn bị bản Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức cuộc mít-tinh lớn ở Hà Nội để Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt nhân dân. Ngày ra mắt của Ủy ban cũng là ngày Việt Nam tuyên bố thành lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Ngày 27/8/1945, Ủy ban giải phóng dân tộc họp tại Hà Nội. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Quốc dân Đại hội (Tân Trào) bầu ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời, nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ. Một số ủy viên Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các thành phần khác, có cả những người đã từng tham gia trong chính quyền cũ.

Hành động tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các thành phần khác của một số ủy viên Việt Minh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”.

Cũng trong ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày hôm sau, danh sách Chính phủ gồm 15 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công bố trên các báo ở Hà Nội.

Từ ngày 28/8/1945, theo sự phân công của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tại chiếc bàn ăn trên gác hai nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung trí lực và tình cảm soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhằm huy động trí tuệ tập thể, ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến vào văn kiện lịch sử quan trọng này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trào dâng niềm xúc động, vì trong quá trình hoạt động cách mạng “đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”. (Trích cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên, trang 122)

Sau khi suy ngẫm, trăn trở, ngày 31/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định bổ sung một số điểm vào bản Tuyên ngôn, hoàn chỉnh bản khai sinh của nước Việt Nam vừa giành được độc lập.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua trước khi công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới vào ngày 2/9/1945 tại Hà Nội.

Cùng với dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo chuẩn bị ngày quốc lễ 2/9/1945.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Ngày 2/9/1945, Hà Nội được vinh dự thay mặt các địa phương trong cả nước, tổ chức ngày lễ độc lập để Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào; đồng thời nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập thể chế dân chủ cộng hòa.

Từ sáng sớm, cả Hà Nội bừng lên trong màu cờ đỏ sao vàng và đèn, hoa rực rỡ. Những biểu ngữ lớn bằng chữ Việt, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc chăng khắp các đường phố: "Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết", "Ủng hộ Chính phủ lâm thời", "Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”...

Từ giữa trưa, nhân dân thành phố và các vùng lân cận đã cuồn cuộn đổ về quảng trường Ba Đình, nơi dựng lễ đài Độc lập; tràn ngập các phố chung quanh.

Đúng 14 giờ, các thành viên của Chính phủ lâm thời bước lên lễ dài". Bài Tiến quân ca vàng lên hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên. Một rừng cánh tay to lớn chào, bàn tay nắm lại.

Trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời.

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sưởng và quyền tự do", "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".

Tiếp đó, Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án những tội ác của thực dân Pháp. Chúng đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”, thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, không “bảo hộ” cho ta mà “bán” nước ta cho Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ nghèo nàn. Sau ngày 9/3/1945, thực dân Pháp thua chạy, dã man và hèn hạ hơn nữa, “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

Tuyên ngôn Độc lập nêu cao tinh thần khoan hồng và nhân đạo của nhân dân ta, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh như cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ... sau ngày 9/3/1945.

Sau khi phân tích tình hình nước ta từ mùa thu năm 1940 đến khi nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền, bản Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa".

Bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể nhân dân Việt Nam với toàn thế giới. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

Bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thiết kế năm 1945. (Ảnh: TTXVN)

Bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam. Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thiết kế năm 1945. (Ảnh: TTXVN)

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Sau lễ tuyên thệ của Chính phủ lâm thời trước Tổ quốc và nhân dân, đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ; đồng chí Trần Huy Liệu tường trình về sứ mệnh của đoàn đại biểu Chính phủ vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại; đồng chí Nguyễn Lương Bằng kêu gọi toàn dân thông nhất, đoàn kết, ủng hộ Chính phủ.

Đến 15 giờ 30 phút, toàn thể nhân dân tuyên thệ kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có chết cũng cam lòng nếu thực dân Pháp đến xâm lược lần nữa thì kiên quyết không đi lính cho Pháp, không làm cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp.

Sau khi quốc dân tuyên thệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm với đồng bào, độc lập, tự do là của báu, quý giả vô ngần, nay ta đã khổ sở, đau đớn trong bao nhiều năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ.

Cuộc mít-tinh kết thúc. Cuộc biểu tình vĩ đại của hàng chục vạn quần chúng bắt đầu. Các đoàn thể lần lượt diễu quanh lễ đài rồi chia làm ba đường diễu hành qua các phố.

Ngày độc lập, mùng 2/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc ta, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày Hà Nội trở thành Thủ đô của cả nước; một ngày có “ý nghĩa cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị, tinh thần của dân tộc”. (Trích Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, trang 29).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. (Clip: Trích phim tài liệu "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. (Clip: Trích phim tài liệu "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình)

4 điểm đặc biệt và 2 cống hiến nổi bật của Tuyên ngôn Độc lập

Thời gian chỉ có đúng một tuần để giải quyết một loạt công việc trọng đại và cấp bách: ổn định tình hình, xúc tiến thành lập Chính phủ lâm thời trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng mới được thành lập trong Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) ngày 16/8/1945; xúc tiến chuẩn bị các công việc cho ngày lễ tuyên bố độc lập và đặc biệt là viết bản Tuyên ngôn Độc lập để đọc trong ngày 2/9/1945. Lãnh tụ Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo chung các công việc bộn bề, vừa trực tiếp dự thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Qua nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng rút ra bốn điểm đặc biệt liên quan việc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập:

Một là, Bản Tuyên ngôn được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn, từ ngày 26 đến 29/8.

Hai là, bản Tuyên ngôn sau khi dự thảo xong, đã được Người đưa ra tham khảo ý kiến của Ban Thường vụ Trung ương ngày 30/8 và cả ý kiến của một sĩ quan Mỹ là Thiếu tá Pa-ti thuộc Cơ quan Tình báo Mỹ (OSS đã hoạt động bên cạnh Việt Minh chống phát-xít, ủng hộ Đồng minh) trong cùng ngày.

Ba là, bản Tuyên ngôn mở đầu bằng các đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của nước Pháp nói về các quyền cơ bản của con người.

Điều đặc biệt là ở chỗ, Người đã có sự chuẩn bị, suy nghĩ từ lâu về những nội dung sẽ thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập. Ý tứ sâu xa trong Tuyên ngôn Người viết là chỉ đích danh Mỹ, lúc đó là nước đứng đầu phe tư bản đế quốc, còn Pháp là nước đã và đang tìm cách áp đặt trở lại ách thống trị thực dân lên đất nước Việt Nam, hãy nhìn lại những gì mà tổ tiên, cha ông của họ đã tuyên bố và mong muốn thực hiện.

Bốn là, bản Tuyên ngôn do Người trực tiếp viết với lời văn gọn rõ, đanh thép, lập luận chặt chẽ, dễ hiểu, đi vào lòng người, thể hiện quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được của cả dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh).

Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh).

Đọc Tuyên ngôn Độc lập, các nhà sử học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế thống nhất đánh giá có hai điểm sáng tạo nổi bật, mang giá trị toàn nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ nhất là, Người đã tiếp thu và phát triển tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ được viết ra từ 169 năm trước, khi đề cập đến quyền con người.

Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ viết: tất cả mọi người đàn ông đều sinh ra bình đẳng... trong khi đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết: tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Đây không chỉ đơn thuần là sự thay đổi câu chữ, mà là sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức về quyền con người, quyền bình đẳng nam-nữ, một sự nhận thức vượt qua hạn chế của thời đại trước đó, cho nên có giá trị nhân văn rất cao cả.

Nhà văn, nhà nghiên cứu người Mỹ, người bạn thân thiết của Việt Nam, là Lady Borton, là người đã phát hiện ra “chi tiết vĩ đại” nêu trên và đánh giá rất cao cống hiến về mặt tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai, cùng với việc trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, Người trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trên cơ sở đó, Người viết: "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là, nếu như trong các bản Tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ, phủ nhận về quyền của các dân tộc.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: TTXVN)

Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Thực vậy, theo Người, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người, và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
- Giáo sư người Nhật Bản Shingo Shibata -

Ba quyền cơ bản của con người được đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập chính là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Các quốc gia, dân tộc đều đấu tranh vì những quyền cơ bản này cho người dân nước mình. Người từng nói: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".

Nội dung đanh thép của bản Tuyên ngôn Độc lập đã đánh đòn phủ đầu vào âm mưu và hành động tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”; “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Ý nghĩa lịch sử của Tuyên ngôn Ðộc lập

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Đây là sự phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do đã được thể hiện trong bản “yêu sách” gửi Hội nghị Versailles, trong Đường kách mệnh, trong Chánh cương vắn tắt, trong Luận cương chính trị, trong các văn kiện khác của Đảng cũng như của Mặt trận Việt Minh.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa và phát triển những bản tuyên ngôn trong lịch sử dân tộc là Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo.

Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc ta.

“Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa vời, trên máy chém, trên chiến trường.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam... Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa". (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên, trang 122-123).

Đồng chí Trần Trọng Tân (Trần Trọng Hoãn, Hai Tân), nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã phân tích về ý nghĩa lịch sử của bản Tuyên ngôn Độc lập như sau:

Nếu bốn câu thơ trong Nam quốc sơn hà và bản Bình Ngô đại cáo được suy ra để cho rằng nó có ý nghĩa là những bản Tuyên ngôn Ðộc lập, thì bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945 thật sự là một bản Tuyên ngôn Ðộc lập do Bác Hồ soạn thảo.

Ðây là bản Tuyên ngôn Ðộc lập có nội dung, bản chất rất mới. Nó đánh dấu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mang tính nhân dân rất sâu sắc, thật sự là “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Giành độc lập là để dân làm chủ. Việc Chính phủ lâm thời ra đời với bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945, làm cho các lực lượng quân đồng minh đổ bộ vào Việt Nam sau đó phải tiếp xúc với chính quyền cách mạng, không còn cách nào khác.

Tuyên ngôn Ðộc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào vườn hoa Ba Đình, nơi cử hành lễ "Ngày độc lập". (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào vườn hoa Ba Đình, nơi cử hành lễ "Ngày độc lập". (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Bản Tuyên ngôn Ðộc lập do Bác Hồ soạn thảo có nội dung rất phong phú, thể hiện sự hiểu biết ở trình độ cao, với tầm nhìn bao quát về thời đại cùng những dự báo đúng đắn sâu sắc. Tuyên ngôn cũng thể hiện một lập trường kiên định về độc lập tự do của dân tộc, vừa có tính chiến đấu cách mạng rất mạnh mẽ với lập luận khôn khéo, vững chắc, bằng lời văn súc tích rõ ràng.

Tuyên ngôn Ðộc lập là Tuyên ngôn về thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 8/1945, một sự kiện nổi bật có vị trí trung tâm trong các sự kiện lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Nó bắt nguồn từ thảm họa của một dân tộc bị mất nước. Nó chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp và phát-xít Nhật trong 87 năm. Nó đánh đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm. Nó mở ra thời đại mới, nước độc lập dân làm chủ.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với việc ra đời bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945 đã tạo ra thế và lực mới để đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ trong 30 năm. Từ đó, thế đứng của nước Việt Nam ta trên thế giới ngày càng được nâng cao, rất có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945 đã chứng minh tính đúng đắn về con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam là giành độc lập cho dân tộc để mưu cầu tự do hạnh phúc cho nhân dân.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám kết thúc với bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945 cùng những thắng lợi tiếp theo còn có ý nghĩa quốc tế to lớn. Nó trực tiếp tạo ra chỗ dựa đáng tin cậy cho cuộc cách mạng của nhân dân Lào và Campuchia anh em và góp phần làm thay đổi cục diện chính trị ở Ðông Nam Á. Nó cổ vũ và cung cấp kinh nghiệm thành công cho nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Nó cắt đứt một vòi hút máu của con bạch tuộc đế quốc làm cho thế lực đế quốc phải điều chỉnh chính sách thực dân.

Nó làm cho Việt Nam trở thành một trong những dân tộc tiên phong cách mạng trong phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.

Ngày xuất bản: 2/9/2022
Thực hiện: NGỌC THANH, HỒNG VÂN, BÔNG MAI
Nguồn tư liệu: Báo Nhân Dân; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1945), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật; Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970; Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2005, Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006; Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên…
Ảnh: TTXVN