Chiều 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô với 473/489 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94,98% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nghị quyết nêu rõ, biển số xe ô-tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô-tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho xe ô-tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô-tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô-tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Công an, tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm công khai biển số xe ô-tô chưa đăng ký, dự kiến cấp mới trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, trang thông tin điện tử trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Tổ chức, cá nhân được lựa chọn biển số xe ô-tô của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đăng ký tham gia đấu giá. Biển số xe ô-tô không được lựa chọn để đấu giá, biển số xe ô-tô đấu giá không thành được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định.
Kết quả biểu quyết. (Ảnh: DUY LINH) |
Cũng theo Nghị quyết, giá khởi điểm của một biển số xe ô-tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô-tô đưa ra đấu giá.
Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô-tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô-tô.
Khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc có nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô-tô đưa ra đấu giá thì biển số xe ô-tô đưa ra đấu giá được chuyển nhượng cho người đó.
Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô-tô; người nhận chuyển nhượng, trao đổi, được tặng cho, thừa kế xe ô-tô gắn biển số trúng đấu giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo đó, người trúng đấu giá biển số xe ô-tô được giữ lại biển số xe ô-tô trúng đấu giá trong trường hợp xe ô-tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm xe ô-tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu.
Đồng thời, được cấp lại biển số xe ô-tô trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô-tô trúng đấu giá khi bị mất, bị mờ, hỏng.
Người trúng đấu giá biển số xe ô-tô không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô-tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô-tô gắn biển số trúng đấu giá.
Quyền, nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, trao đổi, được tặng cho, thừa kế xe ô-tô gắn biển số trúng đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 và được thực hiện trong 3 năm. Sau khi hết thời hạn thí điểm, người trúng đấu giá biển số xe ô-tô, người nhận chuyển nhượng, trao đổi, được tặng cho, thừa kế xe ô-tô gắn biển số trúng đấu giá được tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 6 của Nghị quyết, trừ trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội có quy định khác.
Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Quốc hội kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ô-tô tại kỳ họp đầu năm 2026.