Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

NDO -

Chiều 30-3, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 94,58% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Với 454/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã chính thức được thông qua, đạt tỷ lệ 94,58%; không có đại biểu nào không tán thành, 1 đại biểu không biểu quyết.  

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 Chương, 55 Điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết riêng Điều 32 của dự thảo Luật, về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điều 32 của Luật được thông qua với tỷ lệ 94,38% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Trình bày Báo cáo Tiếp thu giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ đối tượng sẽ phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc xác định thời hạn quản lý căn cứ vào độ tuổi của người sử dụng trái phép chất ma túy; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy, trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: bổ sung quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, trong đó xác định rõ các trường hợp phải xét nghiệm ma túy trong cơ thể (Điều 22); quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là một năm mà không phân biệt độ tuổi (Điều 23); bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 24); trách nhiệm của gia đình, cơ quan, cộng đồng (Điều 25).

Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 30), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất ba giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí; quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật…

Điều 32. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

3. Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.