Những năm trở lại đây, tại hai huyện Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, tập trung vào các cánh đồng hoa, cánh đồng điện gió, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Riêng huyện Hướng Hóa có 12 mô hình du lịch nông nghiệp. Mô hình Khe Sanh Valley Farm ở thị trấn Khe Sanh có diện tích 3,5 ha là đất trồng cây lâu năm được sử dụng vào mục đích phục vụ nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, dịch vụ ăn uống.
Ở xã Hướng Tân, mô hình du lịch Bảo Nguyên Xanh có diện tích gần 2 ha sử dụng đất vào mục đích dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải trí, lưu trú, trong đó có 800m2 đất ở tại nông thôn và hơn 11.000m2 đất trồng cây lâu năm. Các mô hình du lịch nông nghiệp đã góp phần hiệu quả quảng bá, thu hút khách du lịch đến với địa phương. Vợ chồng ông Trần Đức Toàn ở Hà Nội vừa có chuyến trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại huyện Hướng Hóa.
Ông Toàn cho biết: “Hướng Hóa khác nhiều so với các nơi đông đúc mà chúng tôi thường đến. Ở đây chúng tôi được tham quan những vườn cà-phê đẹp, cà-phê Khe Sanh cũng thật ngon; chúng tôi còn được tham quan những rừng cây rợp bóng mát với không khí trong lành. Con người nơi đây cũng rất thân thiện, mang lại cảm giác rất dễ chịu”.
Để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển, mới đây, tại thị trấn Khe Sanh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa, Tổ chức PUM của Hà Lan tổ chức hội thảo “Kinh tế du lịch nông nghiệp Hướng Hóa-Quảng Trị”. Nhiều vấn đề về phát triển du lịch nông nghiệp được thảo luận tại hội thảo.
Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đức Tân cho biết, tại các địa phương trong tỉnh đang có nhiều hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh các hoạt động du lịch dưới dạng điểm check-in, vườn hoa; có các hoạt động xây dựng cải tạo cảnh quan, cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ-du lịch trên hiện trạng chủ yếu đất nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều du khách đã đến huyện Hướng Hóa để thưởng ngoạn các mô hình du lịch nông nghiệp ở đây. Du lịch là phương tiện góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao giá trị của nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Tân, muốn thu hút du khách nhiều hơn cần thay đổi tư duy làm du lịch và có nhiều bước xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp; trong đó, lưu ý kết nối, nâng cao năng lực, thúc đẩy thu nhập và nhân rộng mô hình. Sản phẩm của loại hình du lịch nông nghiệp cần phải độc đáo, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Khi đó du lịch không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho du khách mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn làng quê.
Việc phát triển du lịch nông nghiệp ở miền tây Quảng Trị đã thu hút được nhiều du khách, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, các địa điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn Quảng Trị phần lớn chưa đáp ứng đầy đủ các cơ sở pháp lý về quản lý đầu tư, du lịch; do đó, cần có các giải pháp hỗ trợ, quy trình phát triển du lịch rõ ràng, giúp nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cùng nghiên cứu đề xuất hướng phát triển du lịch nông nghiệp, tham mưu UBND tỉnh để có định hướng, chỉ đạo phát triển hiệu quả trong thời gian tới.
Câu chuyện phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ ở Quảng Trị mà nhiều địa phương khác cũng rất quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký văn bản liên tịch với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển chương trình này. Đây đang là xu hướng mới, là lợi thế của nhiều địa phương. Quảng Trị cần khai thác lĩnh vực này thành nội ngành kinh tế để trở thành thương hiệu.
Phát triển du lịch nông nghiệp cần gắn với sản phẩm OCOP nhằm giải quyết thêm được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động trẻ nông thôn. Ngành nông nghiệp của Quảng Trị đang phối hợp với ngành du lịch để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác triệt để thế mạnh, sự đặc sắc riêng vùng, miền tại các khu du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.