Tỉnh tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đạt hơn 22 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,74 lần so với năm 2015. Hiện các xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô-tô được cứng hóa đến trung tâm xã; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng hơn 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích canh tác hằng năm; hơn 92,8% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tất cả 17 xã có trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Để giảm nghèo bền vững, tỉnh thực hiện phương châm: Tỉnh ban hành cơ chế chính sách - các sở, ngành tham mưu đắc lực - cấp huyện trực tiếp chỉ đạo - cấp xã trực tiếp thực hiện - thôn bản đoàn kết, đồng lòng, người dân tích cực sản xuất và chủ động thoát nghèo - lấy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là trung tâm; tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu là cần thiết, trong đó ngân sách nhà nước là chủ yếu. Hiện nay, Quảng Ninh tập trung xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể hỗ trợ 2.125 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
* Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh Bến Tre đã giải quyết việc làm cho 20.652 người, đạt 114,7% so kế hoạch. Trong đó, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 1.517 người, đạt 126,42%, tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tỉnh đã cho vay 1.015 dự án, với số tiền hơn 24,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động. Các dự án vay chủ yếu là phát triển kinh tế hộ như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, làm thạch dừa, may gia công.
Để thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tỉnh tập trung tăng cường thông tin về đào tạo nghề phối hợp tư vấn, tuyên truyền hướng nghiệp, nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người dân về học nghề, lập nghiệp và khởi nghiệp. Tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng, số lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề để có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, nhất là giáo viên thuộc các ngành nghề đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nghề trọng điểm của tỉnh. Tăng cường liên kết các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo hướng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đồng thời tiếp tục đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động; bảo đảm từ 80% trở lên số người lao động tìm được hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bến Tre hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (15 cơ sở công lập và bảy cơ sở ngoài công lập), bình quân đào tạo gần 11 nghìn lao động/năm, với nhiều ngành nghề. Sau khi tốt nghiệp, gần 80% số học viên có việc làm và thu nhập ổn định.