Quảng Ninh xác định đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tháng 9/2020, tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức động thổ Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô-tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công (TC Group) làm chủ đầu tư. Việc triển khai tổ hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường; tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế theo hướng bền vững mà Quảng Ninh đang hướng đến.
Công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Cùng với đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện các đột phá về hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Với việc chủ động thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô-tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh xác định phải đạt ba đột phá trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Ðó là đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Các giải pháp được tập trung bàn thảo, trong đó chú ý bốn giải pháp cốt lõi: Quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, quan điểm, định hướng của tỉnh là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở vùng, địa phương, khu kinh tế, khu công nghiệp nhất là các cơ chế ưu đãi trong các khu kinh tế để phát triển khu công nghiệp và dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình "ba trong một" gồm: Khu công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, hiện đại an toàn, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ðây cũng chính là chiến lược phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng của Tập đoàn Thành Công, đưa nơi đây thành Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô-tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng kết hợp khu đô thị, khu dịch vụ, với các quy hoạch hiện tại như các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô, khu vực nhà kho, cảng biển, các nhà máy phụ trợ, khu vực dịch vụ… Ðến nay đã có 14 dự án đầu tư thứ cấp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Việt Hưng, gồm bảy dự án FDI và bảy dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 95,9 triệu USD và hơn 10.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 5.600 lao động. Tỷ lệ lấp đầy dự án ở khu công nghiệp đạt 47%.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Các thỏa thuận hợp tác về công nghệ, thương mại giữa TC Motor và Skoda Auto để sản xuất, lắp ráp và phân phối xe ô-tô tại thị trường Việt Nam là dự án lớn, phù hợp chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi có hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc, nhất là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên cho biết: Ðể hình thành một trung tâm sản xuất công nghiệp ô-tô, cần quy tụ những thương hiệu lớn, sản xuất theo chuỗi khép kín với rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ. Ðiều này, đòi hỏi mặt bằng khu công nghiệp quy mô lớn, nhu cầu lớn về nguồn nhân lực và năng lượng. Ðây cũng là những vấn đề mà Quảng Ninh đang tập trung giải quyết, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung, chứ không riêng ngành công nghiệp ô-tô.
Quảng Ninh sẽ ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Ðồng thời kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng. Ðến nay, tỉnh đã đưa vào hoạt động nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái kết nối liên thông tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Ðồn, đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 nối hai bờ thành phố Hạ Long, góp phần hoàn thiện hạ tầng, tạo cơ hội để các ngành công nghiệp, kinh tế có bước phát triển mới.
Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo định hướng, phù hợp quy hoạch, khai thác các thế mạnh. Khu công nghiệp Việt Hưng trở thành khu công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô-tô, sản xuất máy móc, thiết bị phụ trợ. Khu công nghiệp Cái Lân sẽ được quy hoạch, cơ cấu lại, chuyển đổi ngành nghề trở thành khu công nghiệp thông minh, công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng tiết kiệm, sử dụng hiệu quả đất đai; Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà và Khu công nghiệp Hải Yên phát triển thành trung tâm công nghiệp thời trang, công nghiệp sáng tạo khu vực phía bắc hướng tới thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa với các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới; ưu tiên thu hút ngành dệt may công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, thân thiện với môi trường; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện; sản xuất trang thiết bị y tế, công nghiệp công nghệ cao.
Với tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Quảng Ninh đã sớm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, phát triển xanh. Ðồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành một trong ba trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala đã có chuyến thăm Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô-tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng tại Khu công nghiệp Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh, nơi Tập đoàn Thành Công (TC Group) đang đầu tư Nhà máy ô-tô Thành Công Việt Hưng-nơi sẽ sản xuất, lắp ráp ô-tô thương hiệu Skoda Auto. Ðây là một trong những dự án trọng điểm của ngành công nghiệp ô-tô đang nhận được sự quan tâm của cả Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Nhà máy sản xuất ô-tô Thành Công Việt Hưng-nơi sản xuất, lắp ráp ô-tô thương hiệu Skoda do TC Group làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 36,5 ha, công suất 120.000 xe/năm. Toàn bộ dây chuyền sản xuất, lắp ráp áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu của Skoda Auto, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao, dự kiến cho ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.
Ngay trong tháng 9/2023, thương hiệu Skoda sẽ được chính thức ra mắt thị trường Việt Nam với 2 mẫu xe SUV Kodiaq và Karoq nhập khẩu nguyên chiếc, tiếp đó là Superb và Octavia vào năm 2024 và mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện ENYAQ iV cũng đã được lên kế hoạch nhập khẩu về Việt Nam sau năm 2025.
Tính đến thời điểm này, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 724,63 triệu USD. Tổng vốn thu hút trong nước ngoài ngân sách đạt hơn 45.304,26 tỷ đồng. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai giữ vững vị trí đứng đầu cả bốn chỉ số quan trọng PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS.