Quảng Ngãi nỗ lực ứng phó thiên tai

Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng, đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản của người dân và các công trình cơ sở hạ tầng, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi huy động nhiều nguồn lực xây kè kiên cố để ứng phó thiên tai. Ðây là giải pháp hữu hiệu, góp phần giúp người dân yên tâm trong mùa mưa bão, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến kè kiên cố giúp người dân làng chài Thạnh Ðức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Ðức Phổ an cư bên chân sóng.
Tuyến kè kiên cố giúp người dân làng chài Thạnh Ðức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Ðức Phổ an cư bên chân sóng.

Theo Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Lê Quốc Ðạt, năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên bố trí 315 tỷ đồng để cùng lúc triển khai xây dựng bốn dự án kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông tại các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn và thị xã Ðức Phổ. Các dự án này đang được các nhà thầu gấp rút thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay.

Xuyên đêm trên công trường

Theo ông Nguyễn Mậu Khuyên, Chỉ huy trưởng công trường dự án khắc phục khẩn cấp hư hỏng, sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Ðức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Ðức Phổ, thực hiện lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, những tháng qua, chủ đầu tư và nhà thầu thi công là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây lắp Phước Thành đã huy động nhân lực và phương tiện thiết bị, tổ chức làm tăng ca, tăng kíp, thi công cả ngày lẫn đêm, chạy đua với thời gian để về đích kịp tiến độ.

Khác với việc thi công kè bờ sông, việc xây dựng kè chống sạt lở bờ biển gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi gió lớn và triều cường. Do vậy, nhà thầu phải lên kế hoạch chi tiết từng ngày, theo dõi sát sao triều cường để bố trí nhân công, phương tiện. “Triều cường hay xuống vào thời điểm từ đêm về sáng, cho nên công nhân phải làm xuyên đêm mới thi công được chân kè. Công việc vất vả, nặng nhọc nhưng anh em đều hăng say làm việc”, ông Nguyễn Mậu Khuyên chia sẻ.

Rút kinh nghiệm từ đoạn kè cũ bị sóng đánh sập hoàn toàn khoảng 30m, đơn vị thi công khắc phục đoạn kè bị hư hỏng và làm tuyến kè mới dài 400m bằng giải pháp kỹ thuật theo hình thức kè dạng mái nghiêng, chân kè bằng lăng thể đá hộc có cấu kiện bằng bê-tông đúc sẵn Tetrapod phủ mặt tạo mặt cắt dạng thềm giảm sóng, nhằm tác dụng phá sóng tại chân kè. Ðồng thời, gia cố mái kè bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn có tác dụng tiêu sóng, giảm sóng leo, sóng tràn trên mái và đỉnh kè.

Ðể bảo đảm các hạng mục của công trình đạt yêu cầu về kỹ thuật và mỹ quan theo thiết kế, trong quá trình thi công, đơn vị tư vấn giám sát và Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên có mặt tại hiện trường theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công của nhà thầu; đồng thời tổ chức nghiệm thu các hạng mục công trình để nhà thầu tiếp tục thi công các công việc tiếp theo.

Nhờ quyết tâm cao của chủ đầu tư và nhà thầu, cho nên chỉ sau gần 5 tháng thi công, đến thời điểm này, dự án khắc phục khẩn cấp hư hỏng, sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Ðức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Ðức Phổ với chiều dài 430m, tổng vốn đầu tư 52 tỷ đồng đã thực hiện đạt 98% giá trị hợp đồng; dự kiến cuối tháng 10 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Các dự án kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện 1, thôn Phước Thiện 2 (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), với chiều dài 300m, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng; công trình khẩn cấp kè chống sạt lở bờ sông Trà Bồng, đoạn qua thôn Ðông Yên 2 (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) dài 800m, tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc (huyện Sơn Tịnh) dài 5.163m, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng cũng đang được các nhà thầu gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.

Mới đây, sau khi kiểm tra hiện trường kè chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc (huyện Sơn Tịnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh đánh giá cao sự tích cực, chủ động, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của Thường trực, Ban Thường vụ, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tịnh, chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án.

“Ðây là công trình đa mục tiêu, đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, vì vậy không vì bất cứ lý do nào thực hiện chậm trễ. Do vậy, phải thi công hoàn thành dự án và giải ngân 100% kế hoạch vốn đã bố trí”, đồng chí Ðặng Văn Minh yêu cầu.

An cư bên chân sóng

Nhiều năm qua, trước tác động ngày càng cực đoan của biến đổi khí hậu, nỗi lo sạt lở luôn thường trực trong suy nghĩ của người dân sống ven sông Vệ, Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu và nhiều làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi mỗi khi mùa mưa bão đến. Trước thực trạng này, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt với thiên tai, từng bước xóa các “điểm nóng” sạt lở bờ sông, bờ biển với việc xây dựng nhiều công trình kè đã và đang hoàn thành, giúp người dân an tâm ổn định đời sống.

Nhìn đoạn kè kiên cố, vững chãi bao bọc làng chài, ông Lê Tạo, tổ dân phố Thạnh Ðức 1, phường Phổ Thạnh chia sẻ: “Giờ có kè, người dân ở đây không còn cảnh nơm nớp lo âu, ban đêm không dám ngủ vì sợ triều cường nuốt làng, cuốn trôi nhà cửa ra biển như các năm trước nữa”.

Có kè kiên cố bảo vệ làng chài trước những cơn sóng dữ, 60 hộ dân ở tổ dân phố Thạnh Ðức 1, phường Phổ Thạnh đều mừng vui. Bởi lẽ, mùa mưa bão năm ngoái, cả làng đều bất an trước nạn xâm thực nghiêm trọng của triều cường làm hai ngôi nhà bị sạt lở, ngã đổ hoàn toàn và đe dọa trực tiếp hàng chục ngôi nhà khác. “Hồi đó, nhà tôi chỉ còn cách mép biển vài mét nên rất lo sợ, mong Nhà nước sớm xây kè. Thật bất ngờ, chỉ sau một năm, đoạn kè bao quanh làng chài giờ đã hiện hữu, niềm mong mỏi của dân sớm thành hiện thực. An cư bên chân sóng rồi, mừng lắm!”, bà Trần Thị Dung, tổ dân phố Thạnh Ðức 1 thổ lộ.

Cũng như người dân làng chài Thạnh Ðức 1, mấy năm qua, người dân các làng chài ven biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, khu vực từng là “điểm nóng” của nạn triều cường xâm thực, đã vơi bớt nỗi lo âu khi bão lũ xảy ra. Trong năm 2021 và 2022, sau khi đưa hơn 2,1 km kè tại các làng chài ven biển xã Bình Hải vào sử dụng, phát huy hiệu quả rõ rệt, năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư xây dựng 300m kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện 1, thôn Phước Thiện 2.

Theo ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, việc chính quyền tỉnh Quảng Ngãi dành nguồn lực xây kè chống nạn sạt lở bờ sông, bờ biển là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Riêng tại xã ven biển Bình Hải, các tuyến kè kiên cố chắn sóng dữ mỗi khi bão ập vào không những bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho các hộ dân, bảo vệ đất bến bãi nhằm bảo tồn làng nghề ngư nghiệp, mà còn tạo thành tuyến giao thông để người dân thuận tiện trong việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn khang trang, sạch đẹp.