Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản

NDO -

Ngày 7/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.

Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ngãi thiếu đồng bộ dẫn đến sản xuất chưa hiệu quả.
Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ngãi thiếu đồng bộ dẫn đến sản xuất chưa hiệu quả.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 180 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022-2025.

Cụ thể, hai xã Đức Minh, Đức Phong (huyện Mộ Đức) và xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ) là những địa phương được chọn lựa để triển khai dự án, với quy mô khoảng 89 ha, trong đó huyện Mộ Đức 69 ha và thị xã Đức Phổ 20 ha.

Mục tiêu của dự án là cải tạo, nâng cấp và xây mới một số hạ tầng thiết yếu nhằm cải tạo môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, bảo đảm an toàn sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng và tăng thu nhập cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản. Bảo đảm cấp điện, cấp và thoát nước chủ động, giao thông, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ vật tư thuận lợi cho vùng nuôi nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng. Đồng thời, xây dựng vùng nuôi tôm chuyên canh, công nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP, làm mô hình để nhân rộng cho các vùng nuôi trồng thủy sản khác trên địa bàn tỉnh.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, với bờ biển dài hơn 130 km và hàng nghìn ha mặt nước ao, đầm, hồ chứa nước là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch với diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 2.800 ha, trong đó nuôi mặn lợ 1.000 ha.

Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trong tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, hệ thống đường giao thông nội vùng và đường giao thông kết nối vào khu vực nuôi trồng thủy sản, gây khó khăn cho các phương tiện vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm sau thu hoạch.

Do thiếu những hạ tầng thiết yếu, cho nên trong những năm qua, các hộ nuôi chưa mạnh dạn đầu tư nuôi công nghiệp, áp dụng VietGAP khó khăn dẫn đến năng suất, hiệu quả nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng chưa cao.

Trong khi đó, vùng nuôi rất tiềm năng, nếu được đầu tư đúng mức sẽ phát triển thành vùng nuôi chuyên canh công nghiệp, năng suất, hiệu quả nuôi trồng tăng cao. Qua đó, sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, là những mô hình tốt để áp dụng, mở rộng cho những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản tỉnh Quảng Ngãi nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.