Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình những năm gần đây, bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống thì người dân có nhu cầu đưa vào nuôi một số loại thủy đặc sản có giá trị cao. Mong muốn là vậy nhưng người dân lại gặp khó khăn do các giống vật nuôi mới và chưa được thử nghiệm trong điều kiện thời tiết, địa hình, đặc tính thổ nhưỡng của địa phương.
Nắm bắt được xu hướng đó và để có căn cứ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình đã liên kết thực hiện thử nghiệm các mô hình nuôi một số giống thủy sản có giá trị như tôm càng xanh, cá chình, cá vược, cá lăng chấm... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Trong đó, đáng chú ý là Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Công ty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Quảng Bình”.
Mục tiêu của dự án là ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào việc ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa - loài thủy sản có giá trị rất cao trên thị trường. Qua đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là các hộ bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại Quảng Bình.
Sau hai năm thực hiện, dự án đã thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nội dung đặt ra như: Chuyển giao được ba quy trình công nghệ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Quảng Bình, đào tạo được bốn cán bộ kỹ thuật viên cơ sở, mở lớp tập huấn cho 100 lượt người dân tham gia về các quy trình nuôi cá chình hoa và xây dựng thành công các mô hình.
Theo Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam Lê Hà Giang, mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong bể có diện tích 650m2 đạt kết quả: Trong giai đoạn 1, cá thu được là 207g/con, giai đoạn 2 là 602g/con và giai đoạn 3 cá đạt trọng lượng 1.081g/con.
Còn nuôi cá chình thương phẩm trong ao diện tích 1,7ha, đạt tỷ lệ cá giống sống hơn 82%; khối lượng cá thu được 28.200kg. Cá chình là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều triển vọng phát triển. Mô hình nuôi làm nền tảng kỹ thuật căn bản góp phần cải thiện tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho các hộ dân.
Ở Quảng Bình, phong trào nuôi ếch đã có từ lâu nhưng chủ yếu ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ, năng suất chưa cao. Trong khi giống ếch Thái Lan là loài đang được người dân quan tâm do tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt ngon, có giá trị kinh tế cao. Vì thế, Sở Khoa học và Công nghệ và Trường đại học Quảng Bình tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Công ty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam thực hiện mô hình “Nuôi thâm canh ếch Thái Lan thương phẩm trong bể bạt HDPE trên vùng đất cát ven biển huyện Lệ Thủy”.
Tháng 4/2022, mô hình được thực hiện tại trang trại của Công ty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy với 90 nghìn con ếch giống, kích cỡ 5g/con, nuôi trong 10 bể lót bạt HDPE, diện tích mỗi bể là 6m x 10m.
Lãnh đạo Công ty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam cho biết, trong quá trình chăm sóc, đơn vị đã thực hiện các công đoạn theo đúng kỹ thuật, thay nước đúng định kỳ, quản lý độ pH trong nước và dịch bệnh cho ếch.
Sau gần ba tháng nuôi, tỷ lệ ếch sống đạt 69,3%, trọng lượng trung bình đạt 212g/con, thu hoạch được hơn 13.000kg ếch, lợi nhuận thu được hơn 200 triệu đồng. Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, qua kết quả thực tế cho thấy, đơn vị chủ trì đề án đã bước đầu hoàn thiện được quy trình nuôi thương phẩm ếch trong bể bạt HDPE ở Quảng Bình.
Nhiệm vụ thành công là cơ sở khoa học cho việc ứng dụng các hình thức nuôi thương phẩm ếch Thái Lan trong bể bạt HDPE phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Quảng Bình, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trong tỉnh.
Còn theo ông Lê Hà Giang, các đơn vị phối hợp thực hiện mô hình bước đầu hoàn thiện được quy trình nuôi thương phẩm ếch Thái Lan trong bể bạt HDPE với nhiều ưu điểm như: tận dụng được diện tích đất sẵn có, hạn chế mầm bệnh, dễ chăm sóc, quản lý và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động với thu nhập khá cao so với nuôi các thủy sản truyền thống.
Từ thành công đó, phong trào nuôi ếch Thái Lan đang được nhân rộng. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, hiện nay, toàn huyện có hơn 100 hộ nuôi ếch Thái Lan, mang lại nguồn thu nhập để phát triển kinh tế nông hộ. Chưa kể, để tận dụng nguồn thải từ ếch, nhiều hộ nuôi thả các loại cá với phương thức “trên ếch, dưới cá”, ngoài tăng thu nhập, mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường.
Với nhiều ưu thế vượt trội, thời gian tới, huyện Lệ Thủy khuyến khích người dân lập các tổ liên kết để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi và tìm đầu ra ổn định cho mô hình mới nhiều triển vọng này.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Chí Thắng, xác định việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất là điều kiện tiên quyết để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, đơn vị đã tích cực phối hợp, hỗ trợ người dân áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong đó tập trung đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống vật nuôi và cây trồng mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Qua đó, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; tăng hiệu quả đầu tư và giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo.