Phóng viên: Xin chào ông Lê Thành Độ! Được biết, tại thành phố Ekaterinburg có gần 1.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập. Cộng đồng người Việt Nam tại đây đã chung sức, đồng lòng thành lập phòng trưng bày “Việt Nam-Đất nước-Con người” tại không gian văn hóa thuộc tổ hợp Trung tâm thương mại Hà Nội. Xin ông cho biết mục đích và bối cảnh thành lập phòng trưng bày này như thế nào?
Ông Lê Thành Độ: Ekaterinburg là thành phố lớn nằm ở miền trung nước Nga, thuộc khu vực phía Đông của dãy núi Ural hùng vĩ, nơi có đường biên giới phân chia châu Âu và châu Á. Cộng đồng người Việt Nam tại đây hình thành khá muộn, vào khoảng năm 1993 vì trước đó, Ekaterinburg là thành phố quân sự nên cấm người nước ngoài.
Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng và sưu tầm tài liệu, hiện vật, không chỉ ở trong nước mà còn từ chính những cựu chiến binh Nga từng công tác ở Việt Nam, chúng tôi đã quyết định thành lập phòng trưng bày “Việt Nam-Đất nước-Con người”. Thời điểm thành lập, nước Nga nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt với đại dịch Covid-19.
Toàn cảnh phòng trưng bày “Việt Nam-Đất nước-Con người. (Ảnh: Hội người Việt Nam tại tỉnh Sverdlovsk) |
Mục đích của chúng tôi nhằm quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa, đất nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế; gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam tới các bạn trẻ, các em thiếu niên, nhi đồng người Việt sinh ra và lớn tại thành phố Ekaterinburg.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, đây cũng là một kênh quảng bá hiệu quả tiềm năng du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế tại Nga, cụ thể những người Nga sinh sống tại thành phố Ekaterinburg, điều đó góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Phóng viên: Xin ông giới thiệu một cách tổng quan về bố cục của phòng trưng bày và cho biết đâu là điểm nhấn của phòng trưng bày?
Ông Lê Thành Độ: Phòng trưng bày được bố cục đơn giản nhưng hết sức trang trọng. Ở chính giữa là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số hình ảnh khi Bác đến công tác tại Liên Xô (trước đây).
Đi vào từ bên phải là những bức tranh, ảnh, hiện vật, mảnh vỡ máy bay do chính cựu chiến binh Nga thu thập trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, những hình ảnh về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Góc trưng bày hình ảnh các chuyên gia quân sự vùng Ural từng công tác tại Việt Nam. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Tiếp theo, bên trái là hình ảnh về các danh lam thắng cảnh của Việt Nam, di sản trống đồng Đông Sơn, các hoạt động của cộng đồng và Hội người Việt Nam tại tỉnh Sverdlovsk...
Điều đặc biệt là trong phòng trưng bày chúng tôi có lưu giữ hai bộ phim ngắn về chuyến công tác của Bác Hồ tới Liên Xô, trong đó có những hình ảnh Bác Hồ đến thăm tỉnh Sverdlovsk.
Phóng viên: Được biết, tại Ekaterinburg có nhiều cựu binh từng công tác tại Việt Nam trong những năm chiến tranh. Thời bình, họ trở về quê hương vẫn lưu giữ bên mình những kỷ vật về Việt Nam. Khi thành lập phòng trưng bày những người lính này đã “quyên góp” những đồ vật mà họ luôn trân trọng, cất giữ qua nhiều năm. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Lê Thành Độ: Chúng tôi luôn trân trọng tình cảm chân thành của các cựu chiến binh Nga đối với nhân dân Việt Nam. Họ đã sát cánh cùng nhân dân ta trong những năm tháng gian khổ, khó khăn. Tiếc rằng, những người bạn Nga trân quý này của chúng tôi mỗi năm một ít đi.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga vùng Ural từng công tác tại Việt Nam Valery Skoryak chia sẻ với phóng viên những câu chuyện về thời gian hỗ trợ phục vụ chiến đấu ở Việt Nam. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Mỗi lần khi đến thăm phòng trưng bày, nhìn vào góc kỷ vật trưng bày do chính mình trao tặng, các cựu binh Nga không khỏi bồi hồi, xúc động, tiếc thương những người đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh và bày tỏ niềm vui, tự hào khi ngay chính trên mảnh đất quê hương mình giờ đây có không gian văn hóa về đất nước nơi mình từng công tác trong những năm tuổi trẻ.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Ekaterinburg trong việc giữ gìn và quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam thời gian qua?
Ông Lê Thành Độ: Thời gian qua, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg đã phối hợp với các Hội, Đoàn người Việt Nam tại thành phố này tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hết sức ý nghĩa.
Ngày 1/6/2020, lớp học tiếng Việt mang tên “Quê hương”, dành cho đối tượng là con em người Việt đang sinh sống và làm việc tại thành phố Ekaterinburg, đã chính thức khai giảng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát nên lớp học tạm thời đóng cửa.
Ngày 10/3/2022, tổ chức chương trình tri ân các chiến sĩ tình nguyện quốc tế giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Việt Nam tham gia Ngày hội các dân tộc tại vùng Ural của Nga
Hằng năm vào tháng 9 tại Ekaterinburg diễn ra Ngày hội các dân tộc vùng Ural. Tổng lãnh sự quán Việt Nam, Hội người Việt Nam và đông đảo bà con cộng đồng tích cực tham gia sự kiện này. Điều này thể hiện trách nhiệm của người Việt Nam, luôn đoàn kết, hội nhập và góp phần vì sự phát triển chung của Liên bang Nga.
Trong khuôn khổ sự kiện, có các món ăn truyền thống của người Việt, những tiết mục văn hóa, văn nghệ và triển lãm ảnh đặc sắc nhằm quảng bá về đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè Nga và quốc tế, tạo ấn tượng đẹp về cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại khu vực sở tại.
Tiết mục văn nghệ trong khuôn khổ Chương trình Xuân Quê hương của cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Sverdlovsk (Nga) đón chào năm mới 2023. (Ảnh: THANH THỂ) |
Trong số cựu binh từng công tác tại Việt Nam có những người hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn. Biết được điều này, Hội người Việt Nam tại Sverdlovsk đã kêu gọi cộng đồng quyên góp ủng hộ. Chúng tôi rất vui vì hành động này nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ bà con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, cộng đồng người Việt Nam tại Ekaterinburg đều tổ chức chương trình Xuân Quê hương với kỳ vọng mang hương vị, tinh thần Tết cổ truyền dân tộc đến từng gia đình, làm ấm lòng những người con xa xứ.
Những hoạt động này của người Việt Nam tại mảnh đất miền trung nước Nga đã góp phần gìn giữ và quảng bá nền văn hóa Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, đồng thời lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!