Trong hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nhiều chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong khi người làm công ăn lương lại chưa được đề xuất chính sách hỗ trợ nào. Sẽ càng bất công hơn khi trong điều kiện bình thường, họ đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, nhưng khi họ gặp khó khăn thì chính sách thuế lại bỏ quên họ.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN. Ðối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.
Với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ chín triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN. Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Về biểu thuế, thực tế thực hiện cũng có ý kiến phản ánh cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như: Quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, tăng số lượng phải quyết toán thuế; thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp. Về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật Thuế TNCN.
Ngoài ra, Nghị định số 15/2022/NÐ-CP của Chính phủ quy định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đã có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Tuy nhiên, qua khảo sát còn rất nhiều người dân, doanh nghiệp chưa nắm được quy định này. Trong khi người dân mong mỏi được giảm thuế thì một số doanh nghiệp cho rằng không phải họ không muốn làm mà vì họ không thể nắm rõ mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế VAT, mặt hàng nào không; hoặc gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%. Doanh nghiệp cũng mong Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn chi tiết để Nghị định đi vào cuộc sống.
Ngay khi Nghị định số 15 được ban hành, ngày 28/1/2022, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có Công điện số 01/CÐ-TCT yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định số 15 quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trong giai đoạn hiện nay. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 02/CÐ-TCT ngày 9/2/2022 yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế giá trị gia tăng trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NÐ-CP của Chính phủ.
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng thường xuyên tuyên truyền, giải thích Nghị định số 15/2022/NÐ-CP cho người nộp thuế qua website cũng như các kênh hỗ trợ khác nhau. Bên cạnh đó, với phản ánh doanh nghiệp không biết mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không thì tại Nghị định 15/2022/NÐ-CP đã quy định loại trừ 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng và chi tiết tại 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định. Còn đối với giá của hàng hóa tại các chợ dân sinh, Bộ Tài chính cho biết, đã có quy định tại Nghị định số 15/2022/NÐ-CP đã quy định trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng.
Ðể Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành, do đó, Bộ Tài chính sẽ không ban hành Thông tư hướng dẫn. Ðối với các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NÐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Ðiều 3 Nghị định 15/2022/NÐ-CP về việc trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, giải quyết.
Về hoạt động thu ngân sách nhà nước, mới đây, Tổng cục Thuế cũng cho biết, ước thực hiện thu ngân sách nhà nước tháng 2/2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 118 nghìn tỷ đồng, đạt 10,0% so với dự toán pháp lệnh, bằng 132,0% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể: thu từ dầu thô ước đạt 4.900 tỷ đồng, bằng 17,4% so với dự toán, bằng 201,6% so với cùng kỳ năm 2021 trên cơ sở sản lượng ước đạt 700 nghìn tấn (tăng 15,9% cùng kỳ), giá dầu thô dự báo 90,3 USD/thùng (bằng 160,1% cùng kỳ). Thu nội địa ước đạt 113.100 tỷ đồng, bằng 9,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 130,1% so với cùng kỳ. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 88.900 tỷ đồng, bằng 9,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 125,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu ngân sách nhà nước tháng 2/2022 tăng khá so cùng kỳ chủ yếu do tháng 1/2022 là tháng trước Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III, quý IV/2021. Bên cạnh đó, do thời gian nghỉ Tết từ 28/1/2022 kéo dài đến 6/2/2022, một số nguồn thu phát sinh cuối tháng 1/2022 chuyển nộp trong tháng 2/2022. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế hai tháng 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 276.664 tỷ đồng, bằng 23,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số thu từ dầu thô ước đạt 8.060 tỷ đồng, bằng 28,6% so với dự toán, bằng 157,2% so với cùng kỳ trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 83 USD/thùng, bằng 138,3% so với giá dự toán, bằng 159,7% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% dự toán, bằng 91,1% so với sản lượng cùng kỳ.
Thu nội địa ước đạt 268.605 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 106,7% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 213.999 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,0% so với cùng kỳ năm 2021.