Quản lý chặt hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông

Từ số liệu quan trắc về địa hình lòng dẫn các sông vùng hạ du sông Hồng-sông Thái Bình cho thấy, nhiều sông chính đã bị xói mạnh trong khoảng gần 20 năm trở lại đây.
0:00 / 0:00
0:00
Một bến cát không phép hoạt động nhiều năm tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ. (Ảnh: Việt Linh)
Một bến cát không phép hoạt động nhiều năm tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ. (Ảnh: Việt Linh)

Vụ đông xuân 2022-2023, sẽ có hai đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa cho khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Theo Quyết định số 740/QÐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, trong các đợt điều tiết nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội phải được giữ thấp nhất đạt +2,2m để bảo đảm các hệ thống thủy lợi lấy được nước thuận lợi.

Tuy nhiên, do biến động hạ thấp mực nước sông, khoảng 5 năm gần đây, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn đã vận hành hết công suất phát điện nhưng mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội không duy trì đạt 2,2m như yêu cầu, dẫn đến nhiều cống lấy nước từ các sông đã không còn tác dụng, mà phải dùng đến các trạm bơm. Cũng do mực nước sông hạ thấp nên lượng nước cần xả từ hồ chứa để phục vụ gieo cấy vụ đông xuân những năm gần đây đều rất lớn (khoảng 5 tỷ m3) chiếm khoảng 30% dung tích hữu ích của các hồ chứa.

Từ số liệu quan trắc về địa hình lòng dẫn các sông vùng hạ du sông Hồng-sông Thái Bình cho thấy, nhiều sông chính đã bị xói mạnh trong khoảng gần 20 năm trở lại đây.

Cụ thể, sông Hồng, đoạn từ Sơn Tây đến Hà Nội hiện tượng xói chiếm xu thế chủ đạo, mức độ xói khá lớn, có mặt cắt lên đến 20%-25%. Tại mặt cắt Sơn Tây, từ năm 2001 đến 2009, đáy sông Hồng hạ thấp khoảng 2m. Trên sông Ðuống, từ ngã ba Hồng-Ðuống đến Phả Lại, với chiều dài 56km, có 31 mặt cắt, được đo đạc trong 3 năm: 2000, 2006 và 2013, kết quả cho thấy, toàn bộ sông Ðuống bị xói mạnh và liên tục, so với năm 2000 cao độ trung bình đáy sông vào năm 2013 bị hạ thấp 3,27m...

Như vậy có thể thấy, mặc dù dòng chảy mùa kiệt trên hệ thống sông Hồng được bổ sung nhờ sự điều tiết của các hồ chứa lớn ở thượng du, nhưng mực nước trên hệ thống sông Hồng nói chung và tại Sơn Tây nói riêng liên tục giảm từ năm 2000 trở lại đây. Mực nước tại Sơn Tây đã giảm đến mức nghiêm trọng, làm cho nhiều công trình thủy lợi trên các sông đoạn thượng du trạm thủy văn Hà Nội không thể hoạt động, kể cả trong trường hợp các hồ chứa ở thượng du đã xả nước hết công suất. Nhiều địa phương thời gian qua đã phải tăng cường rất nhiều nguồn lực để lắp thêm các trạm bơm lưu động mới có thể lấy được nước.

Hiện tượng hạ thấp đáy của các sông trên hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình ngoài nguyên nhân mất cân bằng bùn cát do tác động của các hồ chứa, còn do nạn khai thác cát quá mức trên sông.

Các con số thống kê về khai thác cát sỏi trong lòng sông chỉ là một phần khối lượng được khai thác có giấy phép, ngoài ra còn một khối lượng lớn cát, sỏi bị khai thác "chui" mà không có con số thống kê.

Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng-sông Thái Bình đã diễn ra nhức nhối trong thời gian qua nhưng các địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm nạn "cát tặc".

Hậu quả là đã tạo ra nhiều hố xói sâu, ghềnh cạn, thậm chí còn tạo ra những hàm ếch lớn sát chân đê, tạo ra những xoáy nước lớn, mạch động lưu tốc cao, gây mất ổn định đê, hằng năm Nhà nước và chính quyền các địa phương phải tốn hàng trăm tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng.

Phục hồi hoàn toàn đáy sông về điều kiện ban đầu như trước đây là hết sức khó khăn, không thể trong ngày một, ngày hai. Các giải pháp bù đắp phù sa cho các đoạn sông ở hạ lưu các đập chỉ có thể phục hồi một phần và cần nhiều thời gian, nguồn lực.

Do vậy, trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, cần có giải pháp để thích ứng với việc hạ thấp đáy sông trên hệ thống các sông, trong đó có sông Hồng, sông Thái Bình... và một trong những giải pháp cần thiết là quản lý chặt chẽ việc cấp phép và hoạt động khai thác cát sỏi trên sông.