“Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ: Những định hướng tương lai”

NDO - NDĐT- Việt Nam và Ấn Độ “cần làm rõ và mở rộng nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước dựa trên năm trụ cột then chốt là chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở các thỏa thuận cấp cao”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ: Những định hướng tương lai” diễn ra sáng nay tại Hà Nội do Học viện Ngoại giao phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức.
Hội thảo quy tụ nhiều học giả, nhà ngoại giao, chuyên gia các lĩnh vực đến từ Ấn Độ, Việt Nam và các nước trong khu vực
Hội thảo quy tụ nhiều học giả, nhà ngoại giao, chuyên gia các lĩnh vực đến từ Ấn Độ, Việt Nam và các nước trong khu vực

Cuộc hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả hai nước Việt Nam và Ấn Độ cùng nhau kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (1972–2012) và 5 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn (2007–2012) theo sự thống nhất của lãnh đạo cấp cao hai nước nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10-2011.

Nhìn nhận thẳng thắn

Đúng như tinh thần được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae mong muốn, các học giả, các nhà ngoại giao và các đại biểu tại đã thẳng thắn đánh giá mối quan hệ Việt - Ấn, đưa ra những định hướng phát triển tương lai của mối quan hệ mà theo Đại sứ Rajiv Bhatia, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Quốc tế Ấn Độ (IWCA) đánh giá: “Đối với Ấn Độ, quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, không nghi ngờ gì nữa, là một trong số những quan hệ ngoại giao quan trọng nhất.”

Qua 5 phiên thảo luận với 14 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi, các đại biểu đều khẳng định, quan hệ Việt - Ấn là mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru dày công vun đắp. 40 năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, thủy chung của nhân dân Việt Nam, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ Việt - Ấn lại càng trở nên gắn bó và tin cậy, đặc biệt kể từ sau khi lãnh đạo hai nước ký Tuyên bố chung, chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn năm 2007.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mối quan hệ Việt-Ấn không chỉ thể hiện ở số lượng các cuộc viếng thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước mà còn thể hiện đặc biệt ở chất lượng qua sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực.

Làm rõ hơn chất lượng trong quan hệ Việt Nam- Ấn Độ, các học giả và các nhà ngoại giao của hai bên đều cho rằng, trong những năm qua, các cơ chế hợp tác như Ủy ban liên chính phủ Việt - Ấn về khoa học-kỹ thuật và văn hóa-giáo dục, cơ chế tham khảo chính trị, cơ chế đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao… đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau cũng như góp phần đưa các dự án hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, quan hệ Việt - Ấn trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, duy trì cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác về huấn luyện đào tạo, hợp tác …

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae nói: “Bối cảnh khu vực và toàn cầu mà chúng ta đang thúc đẩy quan hệ đang ở trạng thái lỏng. Mô hình An ninh và Kinh tế Mới đang tiến triển trong khu vực và trên thế giới. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có chung tầm nhìn về một cấu trúc khu vực và toàn cầu rộng mở, bao quát và dân chủ nơi mọi quốc gia đều có thể đóng vai trò đúng đắn của mình. Điều này sẽ đóng góp vào nền hòa bình, an ninh và ổn định và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng của nhân dân hai nước.”

Theo Giám đốc IWCA Rajiv Bhatia, Việt Nam và Ấn Độ là “láng giềng hàng hải” đang phải đối mặt với những thách thức an ninh chung. Ông Rajiv Bhatia nhấn mạnh: “Ấn Độ mong đợi một bầu không khí hòa bình, thanh bình và hợp tác trong khu vực do điều này hoàn toàn cần thiết trong việc duy trì tiến bộ kinh tế khu vực. Mơ ước của nhiều người biến thế kỷ 21 thành “Thế kỷ Châu Á” chỉ trở thành hiện thực nếu tự thân Châu Á duy trì được trạng thái hòa bình.”

Học giả Rajiv Bhatia khẳng định, là một phần của Chính sách Hướng Đông, Ấn Độ nhìn nhận vị trí quan trọng của Việt Nam trong khối ASEAN.

Từ góc độ học giả, Giám đốc IWCA Rajiv Bhatia nói Ấn Độ “đặc biệt lo ngại về sự căng thẳng gia tăng tại Biển Đông”

“Chúng tôi coi trọng việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải cũng như việc giải quyết mọi tranh chấp và khác biệt một cách thiện chí thông qua các phương tiện hòa bình và thương lượng và nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc gìn giữ hoà bình và sự ổn định khu vực”- Ông nói.

Ông chia sẻ, Ấn Độ cam kết tuân thủ các nguyên tắc hữu nghị và hợp tác ASEAN, ủng hộ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ tám, và công nhận vai trò quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Dựa trên nền tảng quan hệ tốt đẹp vốn có, hai quốc gia cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, với mục đích thúc đẩy hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại Đông Á.

Nói về những đóng góp tích cực của Ấn Độ cũng như mối quan hệ Việt-Ấn vào hoà bình, ổn định của khu vực, TS Nguyễn Nam Dương- Học viện Ngoại giao cho rằng, ASEAN luôn đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa vai trò của mình, ASEAN cần thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tham vấn, đồng thuận và quan trọng là không cho phép bất kỳ quốc gia nào ngoài khu vực ảnh hưởng tới quyết định của Hiệp hội.

Bên cạnh vấn đề hợp tác an ninh- quốc phòng và các thách thức đối với an ninh của cả hai nước trong bối cảnh mới, các đại biểu cũng tập trung sâu vào lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Ấn.

Có thể thấy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Ấn đã phát triển rất nhanh chóng. Năm 2011, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Ấn đã đạt 3,9 tỷ USD, tăng gấp gần 4 lần so với 5 năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 1,89 tỷ USD. Trao đổi thương mại Việt - Ấn đã có khuôn khổ pháp lý ổn định. Ấn Độ đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Một loạt hiệp định hợp tác được ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư… phát triển mạnh mẽ.

Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, những kết quả này vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng của hai nước khi Ấn Độ là nền kinh tế khổng lồ và Việt Nam là nền kinh tế phát triển khá năng động trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh “đây chính là mảnh đất màu mỡ đầy tiềm năng” mà hai nước cần tăng cường thúc đẩy hợp tác sâu và thực chất hơn nữa trong tương lai.

Ngoài ra, Ấn Độ còn là đối tác có tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực như: công nghệ thông tin, sinh học, nano, sinh học phân tử, công nghệ vũ trụ… Quan hệ hợp tác giữa hai nước về KHCN đã được tiến hành từ rất sớm (1978), thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác về KHCN giữa hai chính phủ. Tiểu ban hợp tác KHCN Việt - Ấn đến nay đã họp được 8 khóa và triển khai được 13 dự án hợp tác nghiên cứu chung thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, viễn thám, bảo vệ môi trường… Ấn Độ cũng đã giúp Việt Nam đào tạo được nhiều chuyên gia và cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin... Song song với đó là hợp tác giáo dục và văn hoá luôn được thực hiện có hiệu quả giữa hai nước dựa trên những nền tảng đã có.

Nâng tầm hiệu quả

Hội thảo đề xuất, hai bên cần tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các cơ quan, viện nghiên cứu hai nước, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý chung giữa hai nước.

Đại sứ Ấn Độ cho rằng hai bên cần tích cực trao triển khai các hoạt động lưu thanh niên để các thế hệ chủ nhân tương lai của mỗi quốc gia hiểu biết hơn truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, từ đó tiếp tục duy trì mối quan hệ thủy chung, tin cậy này.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên cần sớm thành lập Ủy ban thương mại hỗn hợp, hợp tác tiến hành xây dựng công viên KHCN tại Việt Nam, khai thác triệt để các trung tâm về công nghệ cao đã được xây dựng tại Việt Nam như Trung tâm siêu máy tính Pa-ram, Trung tâm Đào tạo Năng lượng Hạt nhân Việt Nam – Ấn Độ tại Đà Lạt.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đào tạo, hai nước cần triển khai hoàn thành các Trung tâm đã được thỏa thuận như Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo công nghệ thông tin chất lượng cao ở Việt Nam mang tên Bangalore, Trung tâm tiếng Anh tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), Trung tâm “Dữ liệu và Trạm dò tìm và tiếp nhận dữ liệu vệ tinh”, Trung tâm “khôi phục dữ liệu, chứng cứ tội phạm mang tên Indira Grandhi” (TP.HCM-Bộ Công an) trong thời gian tới.

Với quan hệ chính trị vô cùng tốt đẹp, với tình hữu nghị truyền thống gắn bó trong 40 năm qua và với tiềm năng hợp tác to lớn, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn vẫn còn rất nhiều tiềm năng to lớn để phát triển và sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian tới.