Quần đảo Cát Bà - Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận

Cuối năm 2004 quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) đã được UNESCO quyết định công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là một trong bốn khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam được tổ chức này chính thức công nhận (kể từ năm 2000 đến nay), hội tụ các yếu tố kết hợp hài hoà giữa lợi ích phát triển cộng đồng của con người với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên..

Nằm ở phía đông-bắc, cách đô thị Hải Phòng khoảng 30 km, quần đảo Cát Bà có diện tích tự nhiên 26.240 ha (diện tích đất đảo là 17.040 ha và diện tích mặt nước biển là 9.200 ha) với đầy đủ các hệ sinh thái đặc trưng ở nước ta, gồm rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong, cỏ biển, bãi cát và hệ thống hang động, tùng áng đặc thù.

Quần đảo được chia thành ba khu vực: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Hai vùng lõi ở phía đông-nam và tây bắc rộng 8.500 ha (kể cả phần đảo và phần biển) là vùng không có tác động trực tiếp của con người trừ các hoạt động nghiên cứu và giám sát. Tiếp giáp với vùng lõi là vùng đệm trung tâm rộng 141 ha và vùng đệm tiếp giáp rộng 7.600 ha (có 4.800 ha phần đảo và 2.800 ha phần biển) giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí, song, lại không ảnh hưởng đến sự bảo tồn vùng lõi.

Đây là vùng có chức năng phát triển điều hoà, tôn trọng hiện trạng phù hợp với tiêu chí bảo tồn của vùng lõi nên phải bảo đảm sự phát triển hạn định, theo quy hoạch của vùng.

Nằm ngoài cùng quần đảo là hai vùng chuyển tiếp ở phía bắc và phía nam rộng 10.000 ha, gồm cả phần đảo và phần biển, nơi tập trung đông dân cư, thuận lợi cho sự phát triển cộng đồng gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững, trong đó nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch được coi là thế mạnh kinh tế ở đảo...

Ngoài sự ưu đãi về địa lý, Cát Bà còn là nơi hội tụ của 2.320 loài động vật và thực vật đang sinh sống, gồm: 741 loài trên cạn; 282 loài trong rừng; 538 loài động vật đáy; 196 loài cá biển; 177 loài san hô; 75 loài rong biển; 23 loài thực vật ngập mặn,..., trong đó có nhiều loại nổi tiếng, như: sò huyết, tu hài, ngao, tôm hùm, cá mực, cua biển, cá song, cá chim có giá trị kinh tế cao.

Đáng chú ý, ở đây có tới 60 loài động, thực vật được coi là đặc hữu và quý hiếm, có tên trong "Sách đỏ" Việt Nam, như các động vật: ác là, quạ khoang, vọc đầu trắng, vọc quần đùi trắng và các loài thực vật: chi đài, kim giao, lát khôi, lát hoa, rè hương, thổ phục linh, trúc đũa, sến mật.