Quân, dân đất Tổ “chia lửa” với Thủ đô Hà Nội

NDO - Là nơi được lựa chọn phát triển thành phố công nghiệp của miền bắc xã hội chủ nghĩa, tỉnh Vĩnh Phú (Phú Thọ và Vĩnh Phúc ngày nay) là trọng điểm đánh phá trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ năm 1972. Cùng với quân, dân cả nước, lực lượng vũ trang và nhân dân Phú Thọ đã quả cảm, quật cường “chia lửa” cùng Thủ đô, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Phú Thọ ngày nay. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ).
Phú Thọ ngày nay. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ).

Cầm các kỷ vật trên tay, Đại tá Trần Xuân Vũ, sinh năm 1954, nguyên Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Phòng không 297, Quân khu 2 vẫn nhớ như in ký ức hào hùng của 50 năm trước. Bồi hồi xúc động, ông kể cho tôi nghe về những trận đánh ngoan cường, quả cảm của mình và đồng đội ngày ấy. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, khi mới 17 tuổi, Trần Xuân Vũ xung phong lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại Sư 304B, toàn bộ Tiểu đoàn được điều động để thành lập đơn vị Pháo phòng không là Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 221, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), chiến đấu tại Việt Trì, có nhiệm vụ bảo vệ không phận dọc tuyến từ Thanh Hóa trở ra đến Yên Bái.

“Sáng 22/12/1972, khi ấy Đại đội 3 chúng tôi đang trực chiến tại trận địa bến Gót, dưới cầu Việt Trì thì phát hiện một tốp máy bay địch xuất hiện từ phía tây nam bay dọc sông Hồng. Sau khi báo cáo với cấp trên, toàn Tiểu đoàn 38 được lệnh tổng lực tấn công. Đại đội 3, đại đội duy nhất được trang bị cả pháo cao xạ 57mm và 37mm, là đơn vị nổ phát súng đầu tiên công phá vào đội hình địch. Liên tiếp những loạt đạn pháo của đơn vị nhằm thẳng hướng tốp máy bay địch mà bắn. Chỉ sau ít giờ chiến đấu, một chiếc máy bay không người lái được mệnh danh là “bóng ma sát thủ” của địch đã bị trúng đạn, bốc cháy, chao đảo rơi về phía tây cách khu vực Đền Hùng 10km. Đội hình quân địch bị phá vỡ, quay đầu tháo chạy... Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, ông Trần Xuân Vũ cùng đồng đội đã tham gia hàng chục trận đánh ác liệt. Trưởng thành, bản lĩnh qua từng trận đánh, Trung đoàn 221 đã cùng lực lượng Phòng không-Không quân của Quân khu 2 bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, tạo nên lá chắn phòng thủ vững chắc cho Thủ đô Hà Nội”.

Cuối năm 1972, nắm được dã tâm của địch, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho các binh chủng, lực lượng vũ trang địa phương chủ động đánh bại mọi bước leo thang mới của đế quốc Mỹ. Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc có Chỉ thị số 03 gửi Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Vĩnh Phú, chỉ rõ trọng điểm phải đối phó với kẻ thù trong bước leo thang mới là thành phố Việt Trì và Nhà máy Supe Lâm Thao. Ngày 30/11/1972, Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh đã họp phân tích tình hình và ra Nghị quyết về phòng không sơ tán, tổ chức đánh địch. Thành phố Việt Trì, Nhà máy Supe Lâm Thao, thị xã Phú Thọ có quy định cụ thể về sơ tán và củng cố hầm hào. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đến từng trọng điểm để kiểm tra công tác phòng không, sơ tán và tổ chức chiến đấu. Tại thành phố Việt Trì, các cơ quan và nhân dân cơ bản đã được sơ tán, lực lượng còn lại bám trụ chiến đấu chủ yếu là bộ đội và dân quân tự vệ. Tỉnh đã huy động 75.413 ngày công để đào đắp công sự trận địa phục vụ chiến đấu.

Thiếu tướng Lê Quang Đại, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ cho biết, từ ngày 18/12 đến 29/12/1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 362 lần tốp gồm 1.068 lần chiếc, trong đó có 20 lần tốp, 60 lần chiếc B-52 đánh phá trên không phận tỉnh Vĩnh Phú. Chúng đã trút xuống địa bàn 6.474 quả bom các loại, chín lần bắn tên lửa, hai thùng bom bi, gần 3.000 tấn bom đạn ném xuống 54 mục tiêu, trong đó có 28 mục tiêu dân cư, 10 mục tiêu kho tàng, xí nghiệp, bốn mục tiêu cầu phà giao thông. Các trọng điểm như: Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao, Đoan Hùng địch chủ yếu dùng máy bay F4 và F111 để oanh tạc. Phối hợp chiến đấu để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ không phận đất Tổ, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với bộ đội phòng không bắn rơi hai máy bay B-52 của giặc Mỹ, góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, quân và dân các dân tộc trong tỉnh còn thể hiện rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phục vụ chiến đấu, trong sản xuất và bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc, giải quyết hậu quả sau mỗi trận oanh tạc của địch. Khi sân bay Đa Phúc và các huyện, xã lân cận bị đánh phá, tỉnh đã huy động các huyện Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Sơn, Yên Lập giúp đỡ nhân dân các địa phương thuộc hai huyện Kim Anh, Đa Phúc hàng nghìn tấn vật liệu, lương thực, quần áo, sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống... Cùng với đó, còn động viên hàng nghìn ngày công để sửa chữa đường giao thông, cầu phà ở Việt Trì, thị xã Phú Thọ, thu nhặt 288 quả bom chưa nổ...

50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn vẹn nguyên giá trị. Chiến thắng vang dội này còn là niềm tự hào, tạo động lực, nhân lên sức mạnh để nhân dân cả nước nói chung và người dân đất Tổ nói riêng thêm vững tin, quyết tâm dựng xây và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.