Lào Cai ghi tên trên bản đồ du lịch Việt Nam bằng tiềm năng riêng có

Lào Cai đã khẳng định thương hiệu du lịch tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam bằng những sản phẩm độc đáo dựa trên tiềm năng riêng có. Năm 2024 với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, Lào Cai là điểm đến nằm trong top đầu của những điểm đến được yêu thích trên thế giới; điểm đến hàng đầu của Việt Nam; đứng đầu 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (về lượng khách và doanh thu).
Đông đảo du khách trong nước, quốc tế tham quan, chiêm bái khu du lịch tâm linh trên đỉnh Fansipan. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Đông đảo du khách trong nước, quốc tế tham quan, chiêm bái khu du lịch tâm linh trên đỉnh Fansipan. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững

Tỉnh Lào Cai xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học, những nét văn hóa bản địa đặc sắc và bảo vệ được môi trường sinh thái, đồng thời mọi người dân bản địa đều được thụ hưởng thành quả từ phát triển du lịch tương xứng với những gì đã đóng góp.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Lào Cai đã tổ chức xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch tổng thể đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng Lào Cai trở thành trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc, Sa Pa thành khu du lịch quốc gia, thành phố Lào Cai thành điểm du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai…

Tỉnh Lào Cai xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học, những nét văn hóa bản địa đặc sắc.

Đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ là trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất Việt Nam, có sức hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên du lịch thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ cùng với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của 25 dân tộc…; chất lượng du lịch được nâng cao trên cơ sở tiêu chuẩn hóa theo mô hình phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm của Việt Nam, là ngành kinh tế đột phá, có tác động lan tỏa rộng khắp khu vực…

Một trong những mục tiêu đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể là phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo ra sự khác biệt của các sản phẩm du lịch tham quan - nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch sinh thái - văn hóa, du lịch biên giới và du lịch tâm linh… Phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch gắn lợi thế về tiềm năng thiên nhiên, văn hóa của Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, đảm bảo tính bền vững, có khả năng thu hút khách chi tiêu cao và khách trở lại nhiều lần.

Xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh riêng có

Để phát triển các sản phẩm du lịch của Lào Cai thực sự đặc sắc, ấn tượng, khai thác hiệu quả các giá trị tự nhiên, nhân văn, lịch sử, văn hóa riêng có, từ đó hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, ngay từ đầu năm 2025, ngành du lịch Lào Cai sẽ tập trung nguồn lực, tổ chức mời gọi đầu tư xây dựng Sa Pa trở thành “Kinh đô du lịch mùa Hè của Việt Nam” gắn với nghỉ dưỡng núi tại Sa Pa; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng cao cấp quy mô từ 4-5 sao tại đô thị du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai phục vụ cho đối tượng khách chi trả cao và khách quốc tế; đề xuất ban hành các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các loại hình cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng độc đáo như các biệt thự, bungalow thấp tầng, dùng vật liệu của bản địa kết hợp với không gian rộng, thoáng, tầm nhìn đẹp, trồng nhiều hoa, cây cảnh độc đáo của địa phương tạo dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng đặc sắc của vùng núi cao của Lào Cai tại các phân khu chức năng khu du lịch quốc gia Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà...

Cùng với đó, ngành du lịch Lào Cai tăng cường khai thác các giá trị văn hóa “biến di sản thành tài sản” thông qua các di tích văn hóa - lịch sử, danh thắng, kết nối các điểm du lịch tâm linh dọc sông Hồng với khu tâm linh cáp treo, khu cột cờ Lũng Pô - Bát Xát; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, các khu hành chính thành điểm thăm quan du lịch trải nghiệm; kết nối các phiên chợ văn hóa vùng cao thành sản phẩm “sắc màu chợ phiên”; tổ chức các chương trình du lịch trải nghiệm lễ hội, nghi lễ, chợ phiên, làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì, Tày, Nùng, các điểm trình diễn văn nghệ dân tộc tại các nhà văn hóa thôn, bản… Phát triển một số mô hình du lịch cộng đồng hướng tới tiêu chuẩn ASEAN tại các phân khu chức năng khu du lịch Sa Pa, Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà, Bảo Yên gắn với cảnh quan, đặc trưng văn hóa từng địa phương…

Bên cạnh đó, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp truyền thống sản xuất các sản phẩm hàng hóa lưu niệm đặc sắc phục vụ nhu cầu của khách du lịch; phát triển mô hình trồng, sản xuất thảo dược để phục vụ trải nghiệm và chăm sóc sức khỏe cho du khách; phát triển các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, ẩm thực vùng cao, các quầy hàng bán sản vật đặc trưng mang thương hiệu vùng cao.

Ngoài ra, Du lịch Lào Cai tiếp tục hoàn thiện các khu vui chơi giải trí đẳng cấp, công viên văn hóa, chợ hoa, Quảng trường Cổng trời tại KDL quốc gia Sa Pa, công viên văn hóa thành phố Lào Cai, khai thác công viên Nhạc Sơn thành công viên nghệ thuật ánh sáng, công viên sinh thái Hồ Na Cồ (Bắc Hà), xây dựng thành phố Lào Cai, khu du lịch quốc gia Sa Pa thành trung tâm tổ chức các sự kiện hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế…

Đối với một số sản phẩm du lịch đã gắn liền với thương hiệu du lịch Lào Cai như chợ tình Sa Pa, du lịch tâm linh gắn với địa danh “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, Festival “Vó ngựa cao nguyên trắng” Bắc Hà, Festival “Y Tý Đại ngàn” Bát Xát, Festival “Khèn và Hoa”, Lễ hội trên mây Sa Pa, Giải Marathon quốc tế, Giải xe đạp quốc tế “một vòng đua hai quốc gia”, Chương trình du lịch kiểu mẫu 02 quốc gia 06 điểm đến… sẽ được đầu tư mạnh mẽ trở thành thương hiệu đặc thù riêng có của Lào Cai.

Với chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên hiện có, du lịch Lào Cai sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới.