Những năm qua, nhiều chủ trương lớn của Ðảng và chính sách, pháp luật quan trọng của Nhà nước đã đến với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua báo chí, truyền thông. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, mở mang tri thức, góp phần thúc đẩy phát triển đời sống của nhân dân vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, 5 năm qua, Quyết định số 45/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" và Quyết định số 752/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc "Ðặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" đã là phương châm hành động cho việc đưa tri thức về vùng nông thôn, vùng biên giới.
Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp cấp phát 19 ấn phẩm báo chí cho các đối tượng được thụ hưởng, bảo đảm báo được phát cho đồng bào dân tộc thiểu số trong ngày. Hiện tại, ngoài Báo Nhân Dân và Báo Tây Ninh, còn có các Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc, Báo Ðại biểu nhân dân, Báo Ðại đoàn kết, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Tiền phong, Báo Văn hóa, Báo Biên phòng,… đã được đưa đến tận các ấp.
Năm 2024, có 10 loại ấn phẩm báo, tạp chí được cấp phát cho các đối tượng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội, trường học ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn tính giai đoạn 2019-2023, tỉnh đã cấp phát đến các đối tượng thụ hưởng với số lượng là 100.191 đầu báo, tạp chí các loại.
Việc cấp báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách, chủ trương của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, giới thiệu những mô hình kinh tế hay; những cá nhân tiêu biểu trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và áp dụng các quy trình canh tác mới, chủ động đầu tư thâm canh sản xuất, góp phần giảm nghèo.
Nhiều chuyên trang, chuyên mục, tin, bài của các báo, tạp chí đã phản ánh kịp thời các hoạt động diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới, phản ánh được những bức xúc của người dân. Các nội dung thông tin được cập nhật thường xuyên đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc mình.
Ðể thu hẹp khoảng cách thành thị với nông thôn, cân bằng trình độ giữa các dân tộc, Tây Ninh còn đầu tư cho đội ngũ "trồng người", để vừa chăm lo tri thức cho học sinh các dân tộc, vừa làm động lực cho đồng bào các dân tộc phấn đấu vươn lên.
Tỉnh đã đào tạo, tuyển dụng 64 giáo viên, nhân viên là người dân tộc thiểu số tham gia công tác ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc theo Nghị định số 61/2006/NÐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ được thực hiện đầy đủ và kịp thời, giúp giáo viên an tâm đóng góp.
Ngoài ra, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh còn tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đạt 214/19.620 người (tính đến ngày 31/12/2023), chiếm tỷ lệ 1,09%. Chính đội ngũ giáo viên, cán bộ này, ngoài công việc chuyên môn còn là những "tuyên truyền viên, cộng tác viên báo chí" khi đưa thông tin trên báo chí đến đồng bào, đưa tiếng nói và mong mỏi của đồng bào các dân tộc đến cấp ủy và chính quyền các cấp.
Theo thống kê của Sở thông tin và Truyền thông Tây Ninh, hiện tất cả các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện phát thanh và được phủ sóng truyền hình; 100% số xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; 100% số xã có bưu điện văn hóa; duy trì tỷ lệ dân cư được xem truyền hình đạt 100%.
Sở đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất (DVB-T2) cho 5.869/6.673 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các huyện biên giới như Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh cho biết: 5 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được 1.072 cuộc với 25.905 lượt người dự; trong đó, có đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số hết sức phấn khởi, tin tưởng.
Những buổi gặp gỡ ý nghĩa nêu trên đều có báo chí, truyền hình, truyền thông tường thuật đầy đủ đến người dân trong tỉnh… Còn theo Ðài Phát thanh-Truyền hình Tây Ninh, đơn vị duy trì thực hiện thường xuyên các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc Khmer trên kênh TTV11. Thời lượng phát sóng từ 30 đến 35 phút.
Việc đưa thông tin, báo chí đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thuận lợi hơn khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã giám sát việc mua, phát hành báo đến khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có đông đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số.
Báo chí cũng góp phần giúp bảo tồn, tôn vinh các lễ hội như lễ Tạ ơn, lễ Cầu an, lễ Ramadhan, Tết Roya… của người Chăm; Tết Chol Chnam Thmay, lễ Ok-Om-Bok, lễ Senne Dolta… của người Khmer; Tết Nguyên tiêu, Tết Thanh minh, Tết Ðoan ngọ… của người Hoa; Tết cổ truyền Sa-uôn-kô Kha-muôn… của nhóm người Tà Mun.
Bằng nhiều cách làm đồng bộ, được sự hỗ trợ của Trung ương, sự đồng tâm hiệp lực của toàn hệ thống chính trị (trong đó có báo chí), Tây Ninh đã hỗ trợ cho người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, thoát nghèo bền vững. Cụ thể, năm 2019, toàn tỉnh có 7.609 hộ nghèo, hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,54%); trong đó, có 209 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ðến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.083 hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, tỷ lệ 0,65% (trong đó, có 64 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số). Trong giai đoạn 2019-2023, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số đã giảm 88,24%, tỷ lệ hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số giảm 55,14%.
Qua đó cho thấy, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và hiệu quả từ truyền thông, báo chí nói riêng trong công tác cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Ninh.