Trong báo cáo lần này, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, tổng lượng tồn kho ngô tính đến ngày 1/9 đạt mức 1,76 tỷ giạ, ở vùng thấp trong khoảng kỳ vọng của thị trường cho dù vẫn tăng 29% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là báo cáo rất quan trọng vì nó xác định lượng tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 cũng như đầu niên vụ 2024-2025 của Mỹ. Nếu không có nhiều thay đổi, số liệu lần này sẽ khiến USDA giảm 52 triệu giạ tồn kho đầu niên vụ 2024-2025 trong Báo cáo cung cầu nông sản thế giới WASDE tháng 10. Triển vọng tồn kho giảm là yếu tố đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường vào hôm qua.
Bên cạnh đó, trong báo cáo Export Inspections, USDA cho biết, giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 26/9 đạt mức 1,14 triệu tấn, gần như không thay đổi so với tuần trước đó nhưng tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn ngô bán cho các khách hàng truyền thống của Mỹ như: Mexico, Colombia và Nhật Bản. Chưa đầy một tháng trong niên vụ 2024-2025, tổng lượng ngô xuất khẩu của Mỹ đã đạt 3,33 triệu tấn, tăng so với 2,69 triệu tấn của năm ngoái. Điều này mang đến triển vọng xuất khẩu tích cực, khiến giá được hỗ trợ.
Tương tự ngô, giá lúa mì cũng tăng nhẹ hơn 0,5% vào hôm qua. Thị trường biến động giằng co khi báo cáo Tổng quan Ngũ cốc Hằng năm (Small Grains Annual Summary) cho thấy các số liệu tương đối trái chiều.
USDA cho biết, tổng sản lượng lúa mì của Mỹ dự báo sẽ đạt mức 1.971 tỷ giạ, cao hơn một chút so ước tính trung bình của thị trường là 1.966 tỷ giạ nhưng giảm so ước tính mới nhất. Sản lượng lúa mì vụ đông dự báo ở mức 1.349 tỷ giạ, thấp hơn so trung bình dự đoán. Các số liệu có phần trái chiều là nguyên nhân khiến giá chỉ giằng co sau khi báo cáo được công bố.
Bên cạnh đó, công ty tư vấn IKAR cho biết, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga đã tăng 5 USD/tấn trong tuần qua, lên mức 222 USD/tấn do dự báo thời tiết xấu và lượng vận chuyển tăng.