Phóng viên: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tại Pháp. Việt Nam đã từng là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 năm 1997 tổ chức tại Hà Nội, nhưng đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Francophonie. Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa và triển vọng từ chuyến thăm này?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Việc lần đầu tiên Việt Nam tham dự một Hội nghị cấp cao Pháp ngữ ở cấp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và các nước thành viên; thể hiện Việt Nam là một thành viên đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào sự phát triển của cộng đồng Pháp ngữ. Qua sự tham gia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần này, OIF sẽ thấy được nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc nâng cao sự hiện diện của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở cấp cao tại Pháp ngữ, đánh giá cao vai trò là cầu nối của Việt Nam thúc đẩy quan hệ Cộng đồng Pháp ngữ với khu vực.
Bên cạnh đó, thông qua các cuộc gặp gỡ song phương cấp cao giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các nguyên thủ thành viên Pháp ngữ, Việt Nam sẽ có cơ hội làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước thành viên Pháp ngữ, qua đó thể hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương.
Phóng viên: Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ, luôn tích cực thúc đẩy hợp tác với OIF cũng như với các thành viên trong lĩnh vực kinh tế thương mại, giảng dạy tiếng Pháp và hỗ trợ đào tạo tiếng Pháp. Xin Đại sứ đánh giá hiệu quả của sự hợp tác này?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Từ khi Pháp ngữ bắt đầu thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội vào năm 1997, Việt Nam đã từng bước mở rộng hợp tác kinh tế với hầu hết các nước thành viên Pháp ngữ. Với tiềm năng là một quốc gia đang phát triển với hơn 100 triệu dân và là nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới theo quy mô GDP, Việt Nam được Cộng đồng Pháp ngữ và các nước thành viên đặt rất nhiều kỳ vọng.
Đáp lại điều này, trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Pháp ngữ 2019-2023, Việt Nam đã phối hợp với các nước thành viên điều phối xây dựng Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ 2021-2025. Trọng tâm của Chiến lược là việc tổ chức tổng cộng 6 Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ tới các nước thành viên, trong đó đoàn đầu tiên là tới Việt Nam. Mỗi Đoàn đều có sự tham gia từ 400-500 doanh nghiệp Pháp ngữ, qua đó giúp thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp của ta trong những lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, viễn thông, dịch vụ số, đồng thời mở ra nhiều đối tác thương mại mới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ
Trong khi hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Pháp ngữ phát triển đến nay đã được thúc đẩy khá tốt, chúng ta cũng đã và đang tạo được những chuyển biến trong hợp tác kinh tế với các nước Pháp ngữ đang phát triển. Với những sự tương đồng về kinh tế, đồng thời có lợi thế đi trước, thành công trong nhiều lĩnh vực sát sườn với các nước Pháp ngữ đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc đưa quan hệ hợp tác kinh tế với các nước này vào chiều sâu.
Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều thách thức đối với cả hai bên. Bên cạnh việc cùng các đối tác Pháp ngữ xây dựng các cơ chế hỗ trợ hữu hiệu, chúng ta cũng cần theo dõi quá trình triển khai, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác hiện có với các nước thành viên châu Phi Pháp ngữ. Các bộ, ngành Việt Nam cần tăng cường các chính sách khuyến khích, đồng thời các đối tác và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực khắc phục khó khăn về thông tin về thị trường, khác biệt văn hóa kinh doanh hay cơ chế thanh toán.
Về giảng dạy tiếng Pháp, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực của OIF và các nước thành viên phát triển, giúp Việt Nam duy trì số lượng thanh niên, học sinh muốn học tiếng Pháp. Các dự án hỗ trợ của Pháp ngữ khá đa dạng, từ hỗ trợ tăng cường nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Pháp, cán bộ Ngoại giao, công chức, xây dựng không gian sách tiếng Pháp và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho thanh niên nói tiếng Pháp. Việt Nam cũng tích cực tham gia các sáng kiến của OIF về vấn đề này, khi là 1 trong 4 nước đầu tiên tham gia khảo sát năm 2023 của OIF về tiếng Pháp trong đa dạng ngôn ngữ, qua đó giúp đánh giá thực trạng giảng dạy tiếng Pháp và tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Phóng viên: Theo Đại sứ, nhân dịp diễn ra Hội nghị này cũng như trong thời gian tới, Việt Nam và OIF cũng như các nước thành viên cần làm gì để quan hệ hợp tác hiệu quả hơn?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Việt Nam luôn tham gia tích cực và thực chất trên các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ, từ xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục tiếng Pháp, văn hóa cho tới gìn giữ hòa bình, an ninh ổn định tại các khu vực. Thời gian tới, đi đôi việc tăng cường quan hệ với các nước Pháp ngữ phát triển, Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch toàn diện về hợp tác với khối Pháp ngữ, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển tại OIF, đặc biệt là khu vực châu Phi, nơi sẽ chiếm 85% số lượng người tiếng Pháp vào năm 2050.
Pháp ngữ cũng đang dần thay đổi, từng bước thúc đẩy phi trung tâm hóa các cơ chế ra quyết định và tăng cường cử cán bộ làm việc sang các Văn phòng khu vực tại châu Phi. Ta cần nắm bắt xu thế này để có chiến lược phù hợp. Nhiều nước Pháp ngữ tại châu Phi Pháp cũng coi Việt Nam là hình mẫu, mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội của ta.
Về phía các nước thành viên, tôi cho rằng các nước phát triển trong OIF có thể từng bước san sẻ vai trò cho các nước đang phát triển, phản ánh đầy đủ sự đa dạng văn hóa, ngôn ngữ của Cộng đồng Pháp ngữ, tăng cường tình đoàn kết và chia sẻ các giá trị chung. Thật vậy, tham gia Pháp ngữ không chỉ là sự chia sẻ về các nét văn hóa, ngôn ngữ, mà còn là sự thúc đẩy các giá trị tương đồng và lợi ích hợp tác.
Để nâng cao hợp tác Việt Nam-Pháp ngữ, cần tạo chuyển biến mạnh trong những lĩnh vực then chốt đáp ứng yêu cầu phát triển của cả Cộng đồng và từng nước, có chính sách hợp tác hướng tới tất các các nhóm thành viên trong Pháp ngữ.
Phóng viên: Trong những năm qua, nhất là từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, quan hệ Việt Nam và Pháp có nhiều bước phát triển quan trọng trên các lĩnh vực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với cấp độ quan hệ chính trị và tiềm năng của mỗi nước. Theo Đại sứ hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trên những lĩnh vực gì trong thời gian tới?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Việt Nam và Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng tầm hợp tác giữa hai nước cả về lượng và về chất, nhất là khi cả hai nước đều đang đứng trước những đòi hỏi lớn lao về phát triển đất nước cũng như cùng đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình và hợp tác.
Quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực sẽ tạo động lực mới để nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai bên. Mối quan hệ đó sẽ giúp cho cả hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển, an ninh và ổn định.
Để quan hệ phát triển thực chất và hiệu quả hơn, tôi cho rằng hai bên cần phối hợp hiệu quả, toàn diện hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác kinh tế, an ninh-quốc phòng, thương mại, đầu tư, đến khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, văn hóa và giao lưu nhân dân. Trong tất cả các lĩnh vực đều có những tiềm năng cần đánh thức, cần khai thác, cần phát huy hơn nữa. Mỗi bên cần xác định rõ nhu cầu và thế mạnh của mình để có được những mối hợp tác thiết thực thể hiện được tinh thần đối tác và cùng có lợi.
Trong chuyến thăm chính thức nước Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai bên sẽ cùng nhau xác định những định hướng lớn, tạo những khuôn khổ và mở ra chương mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, trong đó tập trung vào việc nâng cao hiệu quả và nâng cấp các cơ chế hợp tác song phương, làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế-thương mại và đầu tư, với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác công nghệ cao, chuyển giao công nghệ là những lĩnh vực sẽ được đặc biệt chú trọng.
Hợp tác trên các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hàng không vũ trụ, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ sản xuất hydrogen xanh, du lịch xanh, kinh tế biển, phát triển nghề cá bền vững sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tôi rất lạc quan và tin rằng với những khuôn khổ hợp tác và xung lực mới mà Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ thống nhất nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, quan hệ Việt Nam-Pháp sẽ có thêm khuôn khổ mới và nhiều thành tố quan trọng để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực và các kênh.