Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị.
Theo kết quả nghiên cứu đề án "Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn, định hướng đến năm 2050", hơn 26 năm hình thành và phát triển, tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu phát triển toàn diện và nổi bật; vươn lên, trở thành một trong những tỉnh năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội; một trong những cực tăng trưởng, trung tâm đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của Vùng Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Toàn cảnh hội nghị. |
Bình Dương còn là điểm đến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược; là mảnh đất có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng, có tinh thần đổi mới sáng tạo với khát vọng khởi nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng phát triển nhanh, bền vững; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm; các tiềm năng, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, con người được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ.
Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị có nhiều điểm mới; trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu.
Nhìn lại 40 năm đổi mới, Bình Dương thật sự đã trở thành một hình mẫu về sự bứt phá phát triển. Nỗ lực vượt bậc để vươn lên đó là động lực và là nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển không chỉ trong mỗi người dân Bình Dương mà cho nhân dân cả nước về tư duy đột phá, mô hình độc đáo và cách làm sáng tạo của tỉnh trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương là sự kết hợp thành công giữa khả năng khai thác, chắt chiu những lợi thế hiếm hoi, hoán chuyển được bất lợi thế thành lợi thế với một chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá, vươn lên; giữa khát vọng chinh phục những đỉnh cao phát triển với tầm nhìn vượt trước và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo; giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi của Trung ương được thể chế hoá, tích hợp và hội tụ với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Các trụ cột chủ yếu của mô hình phát triển Bình Dương là: Chính quyền kiến tạo-Nhân dân đồng hành-Doanh nghiệp hành động, hướng tới đời sống văn minh tiến bộ của người dân, trong đó vai trò nòng cốt, dẫn dắt thuộc về doanh nghiệp Nhà nước thể hiện thông qua thực hiện các nhiệm vụ kiến tạo các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội thông qua phát triển hạ tầng, phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết chỗ ở cho người lao động...
Kế thừa và phát huy những hạt nhân hợp lý của mô hình phát triển trong giai đoạn vừa qua, những hướng đi đúng đắn đang được triển khai, phát huy tinh thần đột phá, đổi mới sáng tạo, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh; đến năm 2050 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Đánh giá mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những điểm then chốt đã làm nên sự thành công về mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước là sự đột phá, sáng tạo trong tư duy phát triển, đột phá, đồng bộ trong quy hoạch phát triển, đột phá, hiện đại trong hệ thống kết cấu hạ tầng, đột phá, tiên phong trong cải cách thể chế và hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư...
Nhấn mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực là yếu tố then chốt cho sự phát triển của Bình Dương, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, tỉnh Bình Dương cần đề ra những giải pháp đột phá trong Văn kiện Đại hội 12 của Đảng bộ tỉnh sắp tới để tạo ra sự khác biệt, đặc biệt là trong việc kết nối hạ tầng và phát triển kinh tế, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thời đại mới; cần phát triển bản sắc văn hóa riêng của mình, lấy niềm tự hào về vùng đất Sông Bé oai hùng làm động lực phát triển du lịch văn hóa, tạo ra sự khác biệt và bứt phá; tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và trong doanh nghiệp, coi đây là nội lực vững mạnh giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn, từ kết quả của đề án tỉnh Bình Dương cần rút ra bài học kinh nghiệm để có tư duy mới, tầm nhìn mới, định hướng mới, những đột phá mới để có hướng đi mới cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương để đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương; trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu, năng động, tạo động lực phát triển không chỉ của tỉnh mà còn của cả Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.