Đến nay, ngành du lịch đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó gắn việc phát triển du lịch nông thôn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tiềm năng, lợi thế hồ thủy điện Na Hang có diện tích rộng hơn 8.000 ha mặt nước với nhiều cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người, những năm qua, hai huyện Na Hang và Lâm Bình đã xây dựng, phát triển các trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, nhiều mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang Vi Ngọc Quý, huyện đang đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng là sản phẩm OCOP, hoàn thiện mẫu mã để nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, cây chè và rượu ngô men lá Na Hang đã có chỉ dẫn địa lý, khi kết hợp với du lịch, các sản phẩm nông nghiệp phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới tiêu thụ được.
Để nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn, huyện Na Hang thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giúp nông dân nâng cao kỹ năng làm dịch vụ du lịch, qua đó, ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến đã từng bước được nâng cao.
Ông Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: Hiện các tour du lịch nông nghiệp ở địa phương kết hợp tham quan lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, kèm theo trải nghiệm hoạt động bắt cá, ngắm ruộng bậc thang, chế biến chè Shan Tuyết... đã giúp địa phương phát triển du lịch hiệu quả, tạo lợi thế quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mang lợi ích cho người dân.
Mô hình du lịch trải nghiệm vườn thanh long của hộ gia đình anh Đỗ Văn Hưng (Thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú) đang từng bước được hoàn thiện. Sau khi được tuyên truyền kết hợp trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch, gia đình bắt tay ngay vào thực hiện.
Đến nay, vườn thanh long 7 ha của gia đình anh Hưng bước đầu phát huy hiệu quả. Vườn được thắp đèn cho thanh long ra hoa trái vụ, xây chòi để khách check-in, đường bê-tông dẫn vào tận nơi, bước đầu đã có các đoàn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hiện tại đã quy hoạch khu trồng, làm đường bê-tông lên tận nhà, điểm check-in, làm nhà sàn để phục vụ du khách ăn uống, ngủ nghỉ; xây dựng nhà để phát triển dịch vụ homestay phục vụ du khách. Riêng năm 2023, gia đình tiếp đón hơn 4.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.
Thời gian tới, gia đình tiếp tục xây dựng thêm một số điểm chụp ảnh; mở rộng thêm hệ thống tưới tự động và hệ thống đèn led chiếu sáng ra quả trái vụ trên toàn bộ diện tích hiện có; lựa chọn và trồng các loại hoa đặc trưng hai bên lề đường vào vườn thanh long để tạo cảnh quan đẹp.
Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang thực hiện bảo tồn 11 làng văn hóa gắn với phát triển du lịch; 153 nhà truyền thống; 25 đội văn nghệ các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% số điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số, tiến tới tất cả các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù; ít nhất 70% số chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% số lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cho biết: Tỉnh chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách, như: bảo tồn làng bản, nhà truyền thống thông qua hình thành các nhà lưu trú homestay; thành lập các đội văn nghệ truyền thống các dân tộc.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, năm 2030 đón khoảng hai triệu lượt khách và cũng nhằm “mở đường” cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tăng tốc, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng liên kết vùng thuận lợi.
Những dự án giao thông sẽ mang lại cho Tuyên Quang cơ hội phát triển mạnh mẽ kinh tế dịch vụ, từ đó thúc đẩy du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Tỉnh xác định xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo các nhóm: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề...; ưu tiên các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân...; khai thác nhà vườn, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm kết nối với các điểm du lịch của tỉnh.
Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn với mỗi huyện, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ một đến hai sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; hơn 50% số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.