ETC thúc đẩy giao thông thông minh hơn, xanh hơn
Tại Việt Nam, hoạt động giao thông vận tải phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 (số liệu năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải) và dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm.
Cụ thể hơn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải dự báo Việt Nam sẽ đạt lượng phát thải từ phương tiện giao thông khoảng 64,3 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và 88,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, đặc biệt ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành.
Tháng 7/2022, Thủ tướng đã ban hành quyết định số 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.
Mục tiêu của chương trình hành động này phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh và hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Đây là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Với đường bộ, chương trình hành động đã đặt ra lộ trình chuyển đổi phương tiện để đến năm 2050 toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đều sử dụng điện, năng lượng xanh.
Do lộ trình chuyển đổi phương tiện kéo dài trong 25 năm tới nên việc ETC được dự báo sẽ góp phần tiếp tục giảm 597.862 tấn nhiên liệu và 1,886 triệu tấn khí thải CO2 giai đoạn 2024-2030 rất có ý nghĩa về nỗ lực giảm phát thải của Việt Nam. Những con số trên về hiệu quả của ETC trong nỗ lực giảm phát thải được PGS, TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - đưa ra trong báo cáo nghiên cứu khoa học với tiêu đề “Triển khai thu phí điện tử (ETC) trên cao tốc: Động thái toàn cầu, lợi ích ước tính từ nghiên cứu trường hợp của Việt Nam và những thảo luận chính sách”. Báo cáo trên được công trên website của trường vào đầu tháng 8/2024.
Tại Việt Nam, thu phí không dừng được áp dụng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc từ 1/08/2022 và nhanh chóng chứng minh được những hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội - môi trường. |
Theo quy hoạch, sau năm 2030 Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư nhiều tuyến đường cao tốc, nâng cấp các quốc lộ để hoàn thiện hạ tầng giao thông. Cùng với sự phát triển của đường bộ, lượng ô-tô cũng sẽ tăng trưởng nhiều hơn và dịch vụ ETC sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Dù có sự tăng trưởng của ô tô điện nhưng trong 25 năm tới vẫn còn rất nhiều ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoạt động cho đến khi đến hạn cuối của lộ trình chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện vào năm 2050. Như vậy, có thể khẳng định rằng, ngoài những lợi ích về tiết kiệm thời gian, ETC vẫn tiếp tục có sứ mệnh lớn trong việc giảm phát thải CO2 trong quãng thời gian này.
Nhận định quá trình chuyển đổi ETC ở Việt Nam là một mô hình mẫu mực, TS Vũ Minh Khương cũng khuyến nghị những bài học kinh nghiệm về ETC từ Việt Nam có thể hướng dẫn các nước đang phát triển khác trong quá trình chuyển đổi sang ETC của riêng họ. Quá trình này sẽ thúc đẩy phong trào toàn cầu hướng tới các hệ thống giao thông thông minh hơn, xanh hơn.
Ngoài con số để khẳng định ETC giúp giao thông xanh hơn, đáng chú ý nghiên cứu của TS Vũ Minh Khương chỉ ra ETC giúp giao thông thông minh hơn khi dữ liệu do hệ thống ETC tạo ra có thể cung cấp thông tin chi tiết có giá trị cho công tác quản lý giao thông và phân tích kinh tế. Từ đó, cho phép quy hoạch đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Thay vì chỉ sử dụng ETC để trả phí sử dụng đường bộ, một số sân bay và điểm trông giữ xe tại Việt Nam cũng bắt đầu ứng dụng ETC. Đây là cũng chính xu hướng được TS Vũ Minh Khương khuyến cáo cần bổ sung giải pháp để ETC ứng dụng rộng hơn trong thanh toán đậu xe, nhiên liệu và các dịch vụ khác. Qua đó làm tăng giá trị và trải nghiệm tiện lợi cho người dùng ETC.
ETC giúp tiết kiệm hàng tỷ USD qua lượng hóa lợi ích
Nhận định đó được TS Vũ Minh Khương đưa ra rất chi tiết trong nghiên cứu dài gần 50 trang về quá trình chuyển đổi hệ thống thu phí từ thủ công sang ETC ở Việt Nam; trong đó, nêu bật những lợi ích đáng kể của ETC trong việc giảm phát thải, cải thiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí được lượng hóa.
Cụ thể ETC làm giảm đáng kể thời gian chờ của xe tại các trạm thu phí khi ETC giúp giảm 33,3 giây thời gian giao dịch so với thu phí thủ công trước đó. Qua đó làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông, tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
ETC cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cơ sở hạ tầng và nhân công cho các đơn vị thu phí vì nâng cao hiệu quả thu phí, giảm chi phí vận hành; giảm nhu cầu đầu tư nhiều trạm thu phí và làn đường như thu phí thủ công.
Thu phí không dừng hiện đang được triển khai, mở rộng tại các sân bay trên cả nước và áp dụng thu phí không tiền mặt tại các bãi đỗ xe ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh |
Theo tính toán được lượng hóa của TS Vũ Minh Khương, tháng 8/2022 Việt Nam bắt buộc triển khai ETC trên toàn bộ mạng lưới đường bộ đã có tác động tích cực ngay lập tức về nhiều mặt. Cụ thể là giảm đáng kể về mức tiêu thụ xăng và dầu diesel (60.816 tấn), giảm lượng khí thải carbon - CO2 (192 tấn) và giảm thời gian chờ của xe. Nếu quy đổi ra tiền, tổng chi phí tiết kiệm được chỉ riêng trong năm 2023 lên tới 442 triệu USD. So với thời điểm bắt đầu thúc đẩy ETC năm 2019, lợi ích của việc giảm lượng khí thải tương đương CO2 và tổng tiết kiệm tương đương tiền đã tăng 14 lần. Tính chung cả giai đoạn 2019-2023, lợi ích mà Việt Nam có được từ việc triển khai ETC tương đương giá trị gần 1 tỷ USD.
Qua các tính toán về phát triển đường cao tốc, tăng trưởng xe và GDP, tác giả dự báo, giai đoạn 2024-2030 ETC sẽ góp phần tiếp tục giảm 597.862 tấn nhiên liệu và 1,886 triệu tấn khí thải CO2, với tổng mức tiết kiệm đạt 4,352 tỷ USD. Như vậy, ước tính tổng lợi ích kinh tế mang lại cho xã hội trong cả giai đoạn 2019-2030 khoảng 5,3 tỷ USD.
Với sự phát triển của mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch, sự gia tăng ô tô và tăng trưởng GDP của Việt Nam, TS Vũ Minh Khương dự báo giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 khối lượng giao dịch ETC tại Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức từ 6% (trường hợp thấp) đến 11% (trường hợp cao), với mức trung bình là 8,5%.
Trong xu thế của việc ứng dụng giao thông thông minh đang thịnh hành trên thế giới, nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng như: Thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định… Qua đó, người dân, chủ phương tiện giao thông chỉ cần sử dụng duy nhất 1 tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, minh bạch hóa thu phí và phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.