Theo quyết định, sáu xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tràng Định gồm thị trấn Thất Khê và các xã: Đào Viên, Quốc Khánh, Đại Đồng, Kháng Chiến, Hùng Việt là các xã ATK; công nhận huyện Tràng Định là vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Việc công nhận xã ATK, vùng ATK là sự tri ân, là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của đồng bào các dân tộc huyện Tràng Định trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhất là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Huyện miền núi Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 29/7/2024 công nhận huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Những năm qua, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cho nên huyện miền núi Định Hóa vốn có điểm xuất phát thấp, nhưng đã được công nhận là huyện nông thôn mới. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 6/9 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bàn giao hai nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên khó khăn
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức khánh thành, bàn giao hai nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà trích từ Quỹ Mái ấm công đoàn tỉnh được trao cho các chị: Hà Thị Hoa, đoàn viên trú tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa); Nguyễn Thị Hương, đoàn viên trú tại xã Thái Đào (Lạng Giang). Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Mái ấm công đoàn của LĐLĐ tỉnh, gia đình các đoàn viên vay mượn ngân hàng và người thân, bạn bè. Chương trình Mái ấm công đoàn được LĐLĐ tỉnh triển khai từ năm 2008, đến nay, đã trích kinh phí hỗ trợ 417 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hoàn cảnh khó khăn sửa chữa, xây mới nhà ở với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bắc Giang trao kinh phí hỗ trợ xây nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên Hà Thị Hoa. |
Huyện Yên Bình xác định rõ các mục tiêu về nông nghiệp
Năm 2024, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã xây dựng sáu đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Đến nay, huyện Yên Bình đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn 4.200 ha với 20 ha lúa đã được cấp mã số vùng trồng; 50 ha lúa thơm chất lượng cao tại xã Bạch Hà và 70 ha lúa nếp Lếch tại xã Bảo Ái đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể. Ngoài ra Yên Bình hiện có vùng trồng chè gần 500 ha với bốn sản phẩm chè đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể chè xanh Hán Đà.
Hà Giang trồng hơn 20 triệu cây xanh
Thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, đến nay, tỉnh Hà Giang đã trồng hơn 20 triệu cây, đạt 105% so với chỉ tiêu và hoàn thành sớm một năm so với kế hoạch. Trong đó, trồng rừng sản xuất tập trung gần 7.000 ha, tương ứng 11,5 triệu cây; trồng cây phân tán 9,3 triệu cây. Việc trồng rừng theo đúng tinh thần chỉ đạo “trồng cây nào chắc cây ấy” cho nên tỷ lệ sống đạt 90%. Cùng với thực hiện chỉ tiêu trồng mới, các địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng đã có, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng phòng hộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.
Nâng cao năng lực tổ truyền thông cộng đồng
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Si Ma Cai (Lào Cai) vừa tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn, củng cố nâng cao năng lực triển khai mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024. Tham gia tập huấn có 95 học viên là chủ tịch, phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn và ban quản lý 29 tổ truyền thông cộng đồng tại các địa phương thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2024 trên địa bàn huyện. Hội nghị tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, năng lực, kỹ năng vận hành, duy trì hoạt động mô hình tổ truyền thông cộng đồng cho thành viên, từng bước thay đổi nhận thức, thúc đẩy lồng ghép giới trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lai Châu vừa tổ chức Hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới về phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024. Hội thi có tám đội với gần 100 thí sinh đến từ các Hội LHPN xã; các thành viên mô hình, tổ, nhóm truyền thông cộng đồng tại các bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hội thi nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của thành viên Tổ Truyền thông cộng đồng, hội viên, phụ nữ DTTS về xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em liên quan đến vấn đề bạo lực, xâm hại, phòng ngừa mua bán phụ nữ và trẻ em; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Kết thúc hội thi, ban tổ chức trao tám giải nhất, nhì, ba, khuyến khích và ba giải phụ.