Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc, bạch kim đồng loạt phục hồi và tăng trên 1,5%, đóng cửa lần lượt lại mức 28 USD/ounce và 946,6 USD/ounce.
Trong phiên hôm qua, dòng tiền chảy mạnh vào kênh đầu tư trú ẩn an toàn khi xung đột Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ leo thang hơn nữa. Lực lượng Israel vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích gần thành phố Khan Younis, phía nam Gaza, bất chấp việc Mỹ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận nhằm ngừng giao tranh ở dải Gaza.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ, giá kim loại quý cũng được hưởng lợi trong bối cảnh thị trường vẫn đang lạc quan về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhất là khi lạm phát tại Mỹ được kỳ vọng tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 7. Hai thước đo lạm phát là chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ lần lượt được công bố vào hai ngày 13/8 và 14/8. Hai báo cáo này sẽ làm sáng tỏ hơn lộ trình cắt giảm lãi suất của FED trong thời gian tới.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp đà tăng từ cuối tuần trước với mức tăng gần 2% lên 8.969 USD/tấn, sau một loạt các tin tức làm gia tăng rủi ro nguồn cung. Oxford Economics Africa đưa tin việc Zambia đóng cửa biên giới với Cộng hòa dân chủ Congo đang chặn tuyến đường xuất khẩu khoáng sản chính của nước sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới này. Điều này có thể khiến hoạt động xuất khẩu đồng của Congo bị trì hoãn và nguồn cung đồng toàn cầu bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, dữ liệu do Bộ Năng lượng và Mỏ Peru (MINEM) công bố hôm qua cho thấy, sản lượng đồng ở Peru chỉ đạt hơn 213.500 tấn vào tháng 6, giảm 11,7% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 7,7% so tháng trước.
Trong diễn biến khác, giá quặng sắt lại đi ngược chiều cả nhóm kim loại khi ghi nhận mức giảm 1,76% về 99,31 USD/tấn. Triển vọng tiêu thụ kém tại Trung Quốc vẫn đang gây sức ép lên giá quặng sắt, đặc biệt là khi áp lực cắt giảm sản lượng tại các nhà máy thép ngày càng tăng.