Qua đó, đã thúc đẩy phong trào thi đua tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp triển khai có hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; giới thiệu các mô hình học tập tiêu biểu, các cá nhân tự học thành tài, học từ xa, các điển hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập giai đoạn 2021-2030”.
Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về nội dung hai chương trình: Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập giai đoạn 2021-2030; xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030.
Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã quan tâm, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; hỗ trợ, biểu dương cả người lớn tuổi về tinh thần tự học, học tập suốt đời. Đến nay, quỹ khuyến học, khuyến tài cả nước đạt số dư hơn 4.742 tỷ đồng.
Các địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động phát triển quỹ và tổ chức việc trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tuyên dương, khen thưởng giáo viên bồi dưỡng học sinh đoạt giải các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Nhiều địa phương đã tổ chức sơ kết, tổng kết các đợt phát động thi đua vinh danh các mô hình học tập gắn với các sự kiện, chương trình “Chắp cánh ước mơ”, “Tiếp sức mùa thi”, “Vì biển đảo Việt Nam”, “Thắp sáng niềm tin”, “Nuôi heo đất khuyến học”, “Nhà khuyến học”, “Mái ấm khuyến học”... có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần tích cực hỗ trợ công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Ngoài quỹ khuyến học Trung ương Hội và quỹ khuyến học các địa phương, nhiều trường học, gia đình, dòng họ, chi hội, tổ dân phố, cơ quan cũng đều dành kinh phí cho khuyến học, khuyến tài.
Nhiều học bổng của hội khuyến học các cấp đã khuyến khích, cổ vũ, góp phần nhân rộng tấm gương học sinh, sinh viên điển hình tiên tiến khắc phục khó khăn, vươn lên học giỏi. Điển hình như em Đặng Hồng Hạnh, học sinh lớp 9, Trường tiểu học và THCS Cửu Long (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, bản thân em bị bệnh hiểm nghèo, hiện đang trong thời gian điều trị, nhưng Hạnh đã khắc phục khó khăn, vừa duy trì chữa bệnh, vừa quyết tâm học tập.
Năm học vừa qua, em xuất sắc đoạt giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng trong học tập, nhất là khả năng tự học, học mọi lúc, mọi nơi.
Phong trào tự học và học tập suốt đời cũng lan tỏa mạnh mẽ khi nhiều người lớn tuổi nhờ tự học, tự nghiên cứu áp dụng kiến thức, kinh nghiệm để sản xuất đã giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới và đóng góp cho kinh tế-xã hội ở địa phương, tạo ra phong trào thi đua học tập ngày càng rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.
Điển hình là tấm gương thương binh Nguyễn Huy Kỳ, 84 tuổi, Chủ tịch Hội Đông y phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dù tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn nhưng vẫn tham gia học tập tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân. Năm 2022, ông thi đỗ tốt nghiệp THPT khi đã 82 tuổi với mong muốn nâng cao trình độ nghề nghiệp và làm gương cho con cháu học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông tiếp tục theo học chuyên Khoa Y sĩ, Trường trung cấp Y dược Lê Hữu Trác (Hà Nội)…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với công nghệ số phát triển, đòi hỏi xây dựng xã hội số, kinh tế số, công dân số, mà muốn đáp ứng yêu cầu đó phải xây dựng được công dân học tập, xã hội học tập.
Vì vậy, mỗi người tự ý thức việc học là nhu cầu tự thân, là yếu tố quan trọng quyết định số phận của mỗi con người và quyết định đến sự phát triển của quê hương, đất nước.
Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển hơn nữa, Hội Khuyến học Việt Nam mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân ai cũng được học tập; xây dựng tinh thần tự học, học tập suốt đời, góp phần xây dựng cả nước thành một xã hội học tập...