Đưa Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW (ngày 7/10/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có một nhiệm vụ rất quan trọng đối với thành phố Vũng Tàu, đó là phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố biển Vũng Tàu.
Một góc thành phố biển Vũng Tàu.

Thành phố Vũng Tàu đang xây dựng đề án phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. Đề án đặt ra bốn nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển thành phố Vũng Tàu thành thành phố du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế đến năm 2050; đề xuất các chương trình phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch chất lượng cao - đẳng cấp quốc tế vào năm 2030; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, du lịch công nghệ là nền tảng vào năm 2040 và xây dựng các phương án phát triển công nghiệp du lịch hướng tới phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.

Theo đơn vị xây dựng đề án, thành phố Vũng Tàu là đô thị loại I có vị trí chiến lược trong tứ giác phát triển phía nam. Vị trí địa lý thuận lợi giúp thành phố dễ dàng tiếp cận các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Quốc lộ 51, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang xây dựng và đường biển kết nối từ Cần Giờ và Bến Bạch Đằng. Trong tương lai khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) hoàn thiện, Vũng Tàu sẽ nằm trong bán kính tiếp cận 60 km của sân bay.

Tuy nhiên, Vũng Tàu cũng đối mặt với những hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng như chưa đồng bộ và chưa đạt chuẩn quốc tế; dịch vụ du lịch chưa đa dạng và chất lượng, mức chi tiêu của du khách rất thấp. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch ngày càng gay gắt giữa các địa phương có tài nguyên tương đồng. Vấn đề phát triển bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ phải đi đôi với bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên và giữ cho môi trường sống của cộng đồng địa phương được cải thiện, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0… cũng là thách thức đặt ra cho Vũng Tàu.

Đánh giá về đề án này, ông Lê Xuân Tươi, nguyên Bí thư Thành ủy Vũng Tàu nhận xét, đề án được xây dựng công phu, chi tiết. Tuy nhiên, ông cho rằng, đề án phân tích rất nhiều giải pháp giúp du lịch Vũng Tàu phát triển nhưng chưa xác định được đâu là chính, ngay cả khi có đưa ra nhưng chưa đậm nét. “Chúng ta phải khảo sát chi tiết, xác định sản phẩm du lịch phải trúng chứ làm theo ý muốn của mình là không được”, ông Tươi nói.

Nguyên Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho rằng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần chỉ đạo, phân công, theo dõi sát sao trong thực hiện đề án. Lấy dân làm gốc, nhân dân là những người thực hiện đề án này. Đề án phải tính đến yếu tố liên kết với các huyện, thành phố khác trong tỉnh, liên kết các sản phẩm du lịch để tạo ra hệ sinh thái. Khai thác nhưng phải bảo tồn những giá trị di tích lịch sử, kiến trúc cảnh quan, công trình tôn giáo.

Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thành phố Vũng Tàu có trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương trên các đỉnh núi kết hợp với Bảo tàng Vũ khí cổ nếu được định hướng khai thác thì đây không chỉ là sản phẩm độc đáo của cả nước mà còn mang tầm thế giới. Vì vậy, cần sớm trùng tu khai thác hệ thống trận địa pháo cổ, kiên trì xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, nên quy hoạch các làng văn hóa dân tộc trên khu vực núi Lớn, núi Nhỏ. Mỗi làng văn hóa dân tộc quy hoạch từ 1 ha đến 2 ha, thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc trên cả nước. Đây sẽ là nơi thu hút du khách trong nước và quốc tế...

Ông Nguyễn Lập, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu thì cho rằng, đơn vị xây dựng đề án cần cập nhật, rà soát lại toàn bộ thực trạng du lịch của thành phố từ kinh tế-xã hội, di tích đến các dự án du lịch hiện có để đánh giá xem đang thiếu sản phẩm gì nhằm có hướng khắc phục. Khi đã có danh mục đầu tư cần phân chia rõ nguồn lực của ngân sách, nguồn lực của xã hội, từ đó sẽ phân công rõ ràng trong việc thực hiện, nâng cao chất lượng đầu tư, nguồn nhân lực. Hiện nay, thành phố đang thừa phòng nghỉ giá rẻ, trong khi muốn du lịch trở thành đẳng cấp cao thì khu nào giá cao, khu nào giá rẻ để giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân cần được đánh giá và quy hoạch cụ thể.

Kiến trúc sư Nguyễn Đức Lập, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu quan điểm, thành phố cần có tư duy đột phá, sáng tạo, mạnh dạn khai thác view biển, lấn biển bằng một đến hai công trình kiến trúc điểm nhấn. Tuyệt đối không sao chép kiến trúc mà phải thể hiện bản sắc văn hóa bản địa trong công trình vì du khách quốc tế rất thích nét đặc sắc riêng của địa phương.

Vũng Tàu có bờ biển đẹp nổi bật trong khu vực phía nam và nền tảng phát triển du lịch từ hàng trăm năm qua. Thành phố đã tham gia thành viên Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO). Từ năm 2020 đến nay, thành phố liên tiếp giữ danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN. Những lợi thế này giúp Vũng Tàu có nền tảng vững chắc, đang thu hút lượng lớn khách du lịch cũng như các chuyên gia đến sống và làm việc, mở ra khả năng tiếp cận tốt hơn với nhóm khách du lịch quốc tế, nhóm khách có thu nhập cao ■