Chúng tôi trực tiếp tìm đến nơi xây dựng ba trạm quan trắc nước mặt tự động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh làm chủ đầu tư. Nhiều cán bộ, nhân dân ở các xã, phường, thị trấn của thành phố Bạc Liêu và huyện Đông Hải cho biết, các trạm quan trắc được xây dựng gần 5 năm nay rồi bỏ hoang tàn, cỏ mọc um tùm, gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước.
Mới đây, Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu Bùi Thanh Nguyên vừa chính thức ký Kết luận thanh tra đột xuất dự án xây dựng ba trạm quan trắc nêu trên. Kết luận nêu rõ, dự án có tổng số vốn hơn 50,7 tỷ đồng nhưng gây thất thoát, lãng phí lên tới hơn 43 tỷ đồng. Dự án có các gói thầu do Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) và doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” AIC thực hiện. Theo đó, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với dự án này.
Được biết, năm 2017, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng ba trạm quan trắc nước mặt tự động trên địa bàn tỉnh được phê duyệt. Địa điểm xây dựng tại khuôn viên Trạm Biên phòng Nhà Mát (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu); Trạm Biên phòng Cái Cùng (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) và cạnh chân cầu Rạch Cóc (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải). Đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Công ty cổ phần giải pháp sinh thái công nghiệp và đô thị. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 50,7 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2018. Qua rà soát, cơ quan chức năng xác định, trong quá trình triển khai thực hiện dự án nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu với vai trò chủ đầu tư nhưng thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định pháp luật, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Cụ thể, đơn vị tư vấn thiết kế là Chi nhánh Công ty cổ phần Giao thông công chính không có chứng chỉ năng lực của tổ chức để tham gia hoạt động khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Giải pháp sinh thái không có chứng chỉ năng lực giám sát của tổ chức để thực hiện tư vấn giám sát. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu lập tổ quản lý dự án nhưng thành viên tham gia không có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp. Đối với các gói thầu phát sinh, Sở phê duyệt kế hoạch chỉ định thầu trước khi có văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền, phê duyệt kết quả chỉ định thầu thi công trước khi phê duyệt dự toán phát sinh. Qua kiểm tra, đối chiếu tờ khai hàng hóa nhập khẩu so với hợp đồng giữa Sở với Công ty AIC đối với 25/70 thiết bị, chênh lệch số tiền là hơn 5,7 tỷ đồng...
Thanh tra tỉnh kiến nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo kiểm điểm có hình thức đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và các cá nhân có liên quan (tại thời điểm phụ trách). Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với ban lãnh đạo Sở tại thời điểm hiện nay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng; chưa có giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh đối với một số thiết bị đã nghiệm thu, trong thời gian vận hành chạy thử thì hư hỏng cho nên không đưa vào vận hành cho đến nay hơn ba năm. Kiểm điểm có hình thức đối với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cá nhân liên quan tại thời điểm phụ trách...
Đáng lưu ý, tại Thông cáo báo chí kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong các ngày 23 và 24/4/2024 có đoạn nêu rõ: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.
Không chỉ có sai phạm tại dự án xây dựng ba trạm quan trắc nước mặt tự động, Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu Bùi Thanh Nguyên vừa ký kết luận thanh tra số 08/KL-TTT; đồng thời đề nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu hình sự trong việc thực hiện dự án bờ kè thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình. Bản kết luận có đoạn nêu rõ: Cuối năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phê duyệt dự án “Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Hòa Bình”, với kinh phí hơn 99,9 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án được Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình triển khai thực hiện từ năm 2012, nhưng đến 2013 thì phát hiện có một dự án khác của Trung ương chồng lên dự án này. Vì vậy, chính quyền địa phương buộc dừng dự án này lại và chuyển giao cho dự án của Trung ương tiếp tục đầu tư, khi mà nhiều phần việc đã được thi công chưa hoàn tất, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước hơn 8,3 tỷ đồng.
Kết luận của cơ quan Thanh tra tỉnh Bạc Liêu nêu rõ, Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình, Ban Quản lý xây dựng cơ bản huyện Hòa Bình, Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn thiết kế xây dựng Thanh Bình, đơn vị thi công Liên danh doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn và Tổng công ty 319, Xí nghiệp 9 đã lập thủ tục nghiệm thu thanh toán khi không có khối lượng với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng. Điều đáng nói, chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình chưa quyết liệt thu hồi tạm ứng hơn 2,9 tỷ đồng, để cho nhà thầu chiếm dụng từ năm 2013 đến khi Đoàn thanh tra vào cuộc. Ngoài ra, chủ đầu tư thực hiện chưa nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Từ tháng 5/2013 đến tháng 10/2015, chủ đầu tư không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án theo đúng quy định, để đơn vị thi công chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước. Các sai phạm nêu trên của chủ đầu tư, trách nhiệm chính là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình và Ban Quản lý xây dựng cơ bản huyện Hòa Bình.