Sớm khắc phục tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Đầu năm nay, tỉnh Quảng Bình thực hiện chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá để giúp ngư dân giảm bớt khó khăn và nâng cao công tác quản lý, chống khai thác IUU (bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Tuy nhiên, việc hỗ trợ cước thuê bao thường xuyên, liên tục đã không đi đôi với bảo đảm chất lượng kết nối của thiết bị. Trong một tháng qua, sự cố từ đơn vị cung cấp dịch vụ đã làm cho 800 tàu cá xa bờ trong tỉnh liên tục mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, khiến ngư dân khó vươn khơi vì sợ bị vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình liên lạc với tàu cá qua hệ thống bộ đàm liên lạc tầm xa.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình liên lạc với tàu cá qua hệ thống bộ đàm liên lạc tầm xa.

Thiết bị giám sát hành trình nhằm cung cấp thông tin về vị trí và một số hoạt động của tàu cá trên biển. Khi mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, các tàu thuyền của ngư dân vùng khơi sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân lo lắng

Bốn năm trước khi Nhà nước ban hành quy định tàu đánh xa bờ phải có thiết bị giám sát hành trình, ngư dân Hồ Văn Thanh ở thôn Nam Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch đã bỏ ra 24 triệu đồng để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá sử dụng mạng viễn thông VNPT. Bình quân mỗi tháng, tàu anh phải trả cước phí dịch vụ cho nhà mạng hơn 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, sóng của thiết bị này chập chờn, lúc có lúc không, có khi "mất sóng" đến hai, ba ngày liền.

Anh Thanh bức xúc nói: "Việc sóng viễn thông hoạt động không ổn định, ngư dân bị thiệt rất nhiều. Trước hết là do thiết bị hoạt động không tốt, gần đây không có sóng, lực lượng chức năng không cấp phép cho tàu xuất bến ra khơi đánh bắt hải sản. Rồi thiết bị không có sóng, tàu không bấm được định vị nên sẽ không được chính sách hỗ trợ của Nhà nước hoặc nếu xảy ra trục trặc, sự cố cũng không được phía bảo hiểm tàu cá bồi thường thiệt hại".

Cùng chung nỗi lo, ngư dân Nguyễn Văn Hậu, ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho hay, trong thôn hiện có 12 tàu đang hoạt động đánh bắt ở vùng biển xa mà thiết bị giám sát hành trình đều không có sóng. Người thân các gia đình không liên lạc được với tàu cá cho nên ai cũng lo lắng.

Đầu tháng 5 này, bốn tàu cá của ngư dân Quảng Bình bị sự cố do dông lốc làm 10 người mất tích đến nay chưa tìm được, nên ngư dân càng lo lắng hơn. Sau khi Nhà nước có quy định, ngư dân luôn tin tưởng lựa chọn sử dụng mạng viễn thông VNPT cho thiết bị giám sát hành trình, tiền cước sử dụng dịch vụ vẫn nộp đều đặn. Vậy mà khi mạng chập chờn, lúc được lúc mất, nhiều người đến trụ sở VNPT Quảng Bình yêu cầu giải thích thì cứ hứa hẹn hôm này sang hôm khác.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Trạch Hồ Thị Hoa, toàn xã có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ. Khi nhà cung cấp dịch vụ liên tục bị mất sóng, nhiều ngư dân lên trụ sở xã hỏi lý do và đòi lên tận trụ sở của đơn vị cung cấp dịch vụ để hỏi. Điều này là chính đáng vì người dân đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thì phía VNPT Quảng Bình phải có trách nhiệm bảo đảm tín hiệu. Ngư dân mong muốn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ một phần kinh phí hoặc lắp thiết bị của đơn vị cung cấp dịch vụ khác nhằm bảo đảm chất lượng kết nối, sớm đưa tàu ra khơi an toàn trong vụ cá nam-vụ đánh bắt chính của ngư dân miền trung hiện nay.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh Đào Xuân Vinh cũng băn khoăn: Hiện hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ đang bị "mất sóng" do thiết bị giám sát hành trình không hoạt động được. Việc này đồng nghĩa với hàng trăm ngư dân bị "cấm biển", bởi thiết bị giám sát hành trình tàu cá không hoạt động thì tàu cá của họ không thể xuất bến. Ngư dân phải chờ không biết đến khi nào thiết bị hoạt động để đủ điều kiện ra khơi và hoạt động an toàn trên biển.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có gần 1.200 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Vào lúc 23 giờ ngày 15/4/2024 xảy ra sự cố mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã khiến 800 tàu đánh cá sử dụng mạng viễn thông VNPT trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố mất kết nối trên tàu đánh cá, Chi cục đã có văn bản đề nghị VNPT Quảng Bình khẩn trương khắc phục sự cố nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Ngọc Linh cho rằng việc hàng trăm tàu cá đang trong chuyến biển bị mất tín hiệu với trạm bờ đã gây khó khăn cho việc quản lý tàu cá đang hoạt động trên biển. Ngoài ra, những tàu cá về bờ nghỉ nay muốn đi tiếp chuyến biển mới cũng không được vì thiếu điều kiện xuất bến.

Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 49/CĐ-TTg về việc tập trung phát hiện điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá, trong đó nêu rõ kiểm tra định kỳ, thường xuyên hoặc các đợt cao điểm (nếu cần thiết) chất lượng thiết bị, tình trạng lắp đặt và việc cung cấp dịch vụ hệ thống thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để xử lý nghiêm minh chủ tàu cá, thuyền trưởng, nhà cung cấp dịch vụ vi phạm quy định pháp luật.

Tạm thời sử dụng thiết bị thay thế để ra khơi

Về nguyên nhân của sự cố kết nối, bà Trương Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Quảng Bình (Tổng công ty dịch vụ viễn thông) thừa nhận, trong vòng tháng nay, tín hiệu từ vệ tinh bị trục trặc do lỗi kỹ thuật nên dịch vụ cung cấp nhiều lúc không thể thực hiện được, do đó, tàu cá của ngư dân sử dụng dịch vụ này đã bị gián đoạn tín hiệu liên tục hoặc mất tín hiệu kéo dài. VNPT Quảng Bình đã thông tin kịp thời cho ngư dân và thông tin đến các cơ quan liên quan quản lý về sự cố; đồng thời rất mong ngư dân chia sẻ về sự cố bất khả kháng này. Trước mắt đơn vị xem xét giảm một phần cước thuê bao của dịch vụ trong giai đoạn mất kết nối và nghiên cứu có những chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ cho ngư dân.

Theo ông Lê Ngọc Linh, trước khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các tàu khai thác biển xa trong tỉnh đều lắp đặt thiết bị bộ đàm tầm xa (VX 1.700) và hiện vẫn sử dụng dù không thường xuyên và liên tục. Dùng thiết bị này, cứ 6 giờ đồng hồ, thuyền trưởng của tàu cá phải nhấn nút liên lạc để trạm bờ của Chi cục Thủy sản Quảng Bình tiếp nhận thông tin và biết được tàu cá đang ở tọa độ nào trong khu vực.

Trong thời gian xảy ra sự cố mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, ở Quảng Bình có hơn 1.000 tàu cá vẫn sử dụng thiết bị liên lạc VX 1.700 thì có thể được hỗ trợ để xuất bến, vươn khơi. Chi cục cũng đề nghị các đơn vị cấp phép tàu xuất bến, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi và vận động chủ tàu cá thực hiện việc cập nhật tọa độ theo quy định qua thiết bị liên lạc tầm xa để phục vụ hoạt động giám sát.

Cùng với việc hướng dẫn chủ tàu cá sử dụng thiết bị liên lạc tầm xa VX 1.700 để thông báo tọa độ đánh bắt, Chi cục Thủy sản Quảng Bình vận động ngư dân chủ động chuyển sang đăng ký lắp thiết bị giám sát hành trình và dịch vụ của nhà cung cấp khác để bảo đảm chất lượng. Bước đầu có khoảng 50 tàu cá chuyển gói dịch vụ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của nhà cung cấp khác ngoài VNPT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, sau khi nghe các cơ quan báo cáo cụ thể việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành khẩn trương tháo gỡ cho ngư dân. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các ngành nông nghiệp, bộ đội biên phòng hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân sử dụng thiết bị VX 1.700 để ra khơi; đồng thời đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ giám sát hành trình có giải pháp khắc phục sớm nhất để bảo đảm an toàn cho ngư dân và thực hiện đúng các quy định về chống đánh bắt IUU.

Ngày 9/5, UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản đề nghị Tập đoàn VNPT khẩn trương liên hệ nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh sớm khắc phục sự cố để bảo đảm công tác giám sát hành trình tàu cá. Về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị nghiên cứu phương án có vệ tinh dự phòng để cung cấp dịch vụ thông suốt; đồng thời có văn bản xác nhận thông tin chính xác lý do mất tín hiệu để địa phương có cơ sở xử lý theo quy định.