Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục

Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 50 cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thiện mô hình Giáo dục số (Trường học số). Ðây là mô hình áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự định hướng của học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Cuộc thi DigiTrans Edtech 2022 với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục”.
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Cuộc thi DigiTrans Edtech 2022 với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục”.

Từ khi thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế vào năm 2014, Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, Quận 10, chú trọng triển khai chuyển đổi số. Năm học 2019-2020, các giáo viên nhà trường đã sử dụng hệ thống LMS (hệ thống quản lý học tập trực tuyến) để giảng bài, hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh tự học ở nhà thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ (chia sẻ màn hình máy tính), chuyển tải học liệu dạy trực tuyến đến học sinh; đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác học liệu...

Năm học 2023-2024, Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố xây dựng kho học liệu số, bài giảng điện tử, tài liệu phục vụ môn học… để đưa lên hệ thống thư viện điện tử. Tính đến tháng 10/2023, trường đã xây dựng được hơn 5.300 tài liệu sách điện tử, 71 tài liệu sách nói, bốn album ảnh, 362 video, 370 bài giảng điện tử. Trường đã lưu trữ và quản lý hồ sơ bằng chứng thư số theo quy định một cách khoa học.

Ðể đổi mới hơn nữa phương pháp giảng dạy, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh số hóa học liệu điện tử, xây dựng giáo trình điện tử, sách điện tử, bài giảng, bài học trực tuyến bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo Ban Giám hiệu, chuyển đổi số là bước chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của mỗi người, cho nên, trường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập tầm quan trọng của công tác này cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Chuyển đổi số trong giáo dục cần được xem là chiến lược dài hạn với những cải cách quyết liệt, triệt để trong giảng dạy, học tập, quản lý đào tạo. Trong chuyển đổi số, công nghệ không phải là yếu tố quan trọng nhất mà chính là quyết tâm cao độ của lãnh đạo, nhận thức và sẵn sàng thay đổi của các viên chức trong nhà trường. Trang bị và phổ biến kiến thức về kỹ thuật số cho giáo viên, học sinh là điều cần thiết bởi công nghệ, kỹ thuật số là cốt lõi trong các hoạt động làm việc của giáo viên và học sinh.

Các chuyên gia cho rằng: Mô hình Giáo dục số sẽ giúp học sinh được tiếp cận nguồn học liệu phong phú, đa dạng thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... Mô hình này được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới hình thức kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, học sinh sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ việc tự học, học theo hướng dẫn tại nhà và học tập tại trường.

Mô hình Giáo dục số có các hoạt động dạy học hướng đến mục tiêu mang lại nhiều lợi ích cho người học: nâng cao chất lượng dạy và học, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận với nguồn học liệu phong phú, đa dạng và hiện đại; giúp giáo viên và học sinh tương tác với nhau một cách hiệu quả; tăng cường tính cá thể hóa trong học tập, giúp giáo viên và học sinh thiết kế các hoạt động học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng cá nhân.

Theo Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng mô hình Giáo dục số tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm mười thành tố được phân chia thành bốn phạm vi: tầm chiến lược; chỉ đạo, điều hành; vận hành; cấp độ nền tảng. Về tầm chiến lược, đến năm 2025, ngành giáo dục thành phố phấn đấu tất cả lãnh đạo các trường học và toàn thể cán bộ, giáo viên nắm được những định hướng, chính sách vĩ mô về chuyển đổi số từ tầm quốc gia đến địa phương và ngành; có cách nhìn tổng thể về sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, yêu cầu năng lực và nhu cầu học tập suốt đời, qua đó, xây dựng được tầm nhìn chiến lược định hướng cho kế hoạch trung hạn một cách phù hợp, có tính kế thừa.

Ðối với phạm vi chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo các cơ sở giáo dục có kiến thức về công nghệ, nắm rõ chính sách, có năng lực lãnh đạo, dẫn dắt, khuyến khích giáo viên, cán bộ thực hiện công việc trong bối cảnh công nghệ số được ứng dụng một cách toàn diện và sâu sắc. Lãnh đạo đơn vị hiểu được tinh thần của giáo dục số để ủng hộ những khai phá mới trong công nghệ và phương pháp của giáo viên…

Dựa vào tầm nhìn chiến lược đã xác định trước, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai trên thực tế các kế hoạch chuyển đổi số một cách hiệu quả. Về vận hành mô hình Giáo dục số, các cơ sở giáo dục phải bảo đảm tất cả các hoạt động quản trị nhà trường vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Hệ thống quản trị nhà trường phải hoạt động hiệu quả, bảo đảm quá trình hoạt động đạt tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” được liên thông, chia sẻ, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để đổi mới phương pháp dạy học, tạo môi trường học tập tích cực, hướng đến phát triển năng lực cho học sinh.