Chung cư thuộc sở hữu nhà nước nợ phí quản lý

Hàng nghìn căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước (do Sở Xây dựng quản lý) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang nợ phí quản lý, bị các đơn vị vận hành phát công văn đòi nợ…
0:00 / 0:00
0:00
Khu tái định cư 38,4 ha thuộc phường Bình Khánh, thành phố Thủ Đức nợ phí quản lý vận hành chung cư. (Ảnh THẾ ANH)
Khu tái định cư 38,4 ha thuộc phường Bình Khánh, thành phố Thủ Đức nợ phí quản lý vận hành chung cư. (Ảnh THẾ ANH)

Từ tháng 2/2023 đến nay, Công ty cổ phần dịch vụ Bảo trì và Quản lý chung cư Era Town (Quận 7) nhiều lần gửi công văn đề nghị Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) thanh toán hơn 500 triệu đồng phí quản lý 42 căn hộ tái định cư tại chung cư Phú Mỹ (Block B40).

Theo ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dịch vụ và Bảo trì và Quản lý chung cư Era Town, công ty đang quản lý 42 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước.

Phí quản lý mỗi tháng của căn hộ chung cư là 6.000 đồng/m2. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021 đến 3/2024, Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng chưa trả tiền quản lý làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính, gây khó khăn trong công tác vận hành nhà chung cư.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ quản lý Cao ốc quốc tế, đơn vị đang quản lý cụm chung cư Khang Gia (quận Gò Vấp) cũng cho biết, tại chung cư Khang Gia có 102 căn hộ tái định cư để trống thuộc sở hữu nhà nước.

Từ tháng 8/2020 đến nay, Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng chưa thanh toán hơn 1 tỷ đồng tiền phí quản lý mặc dù công ty đã hai lần gửi văn bản đề nghị thanh toán. Chính vì thiếu hụt khoản tiền quản lý của 102 căn hộ này đã gây nhiều khó khăn cho việc quản lý vận hành tòa nhà.

Không chỉ với hai chung cư nêu trên, Sở Xây dựng đang nợ phí quản lý hàng nghìn căn hộ chung cư thuộc sở hữu nhà nước với số tiền hơn 70 tỷ đồng. Trong đó, tại lô R4, R5 dự án tái định cư 38,4 ha phường An Khánh, thành phố Thủ Đức có tới 1.570 căn hộ chưa thu được tiền phí quản lý.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng thừa nhận có tình trạng nợ phí quản lý đối với các chung cư thuộc sở hữu nhà nước nêu trên.

Các căn hộ nợ phí quản lý này thuộc 3 nhóm: Chung cư trống, chưa bố trí sử dụng; chung cư trống nằm xen cài (đã bố trí) trong các tòa nhà chung cư có người ở nhưng chưa thành lập Ban quản trị; Chung cư trống nằm xen cài (đã bố trí) trong các tòa nhà chung cư đã có người ở và đã thành lập Ban quản trị.

Tổng tiền phí quản lý tạm tính đến hết năm 2023 mà trung tâm đang nợ các đơn vị vận hành lần lượt theo các nhóm được làm tròn là: 50,036 tỷ; 13,9 tỷ và 8,2 tỷ đồng.

Theo ông Hải, Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng đã nhận được rất nhiều công văn “đòi nợ” của các đơn vị, bản thân Trung tâm cũng đã nhiều lần kiến nghị Sở Xây dựng có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn thanh toán kinh phí quản lý vận hành cho các căn hộ trống dùng để làm quỹ nhà tái định cư cho thành phố nhưng đến nay chưa được phúc đáp. Phí quản lý phải đóng trên mỗi m2 đối với những căn hộ này dao động từ 3.000 đến 6.000 đồng.

Theo luật sư Hoàng Thu, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Thu, việc thu kinh phí quản lý vận hành được thực hiện theo giá dịch vụ quy định tại điểm a khoản 5 Điều 106 Luật Nhà ở năm 2014.

Điều 39 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD (sửa đổi tại Thông tư số 06/2019/TT-BXD) quy định về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư cũng nêu rõ, chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp đầy đủ, đúng thời hạn kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và các chi phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ.

Trong trường hợp chủ sở hữu không đóng kinh phí quản lý vận hành theo quy định thì bị xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà Ban quản trị nhà chung cư đã ký với đơn vị quản lý vận hành.

Các căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đóng đầy đủ phí quản lý nhà chung cư. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành với người sử dụng nhà chung cư sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố nơi có nhà chung cư đó giải quyết.

Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết này thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về hợp đồng dịch vụ và đơn vị quản lý vận hành sẽ được giải quyết theo thỏa thuận các bên, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết để bảo đảm quyền lợi và bồi thường thiệt hại (nếu có).