Lãnh đạo thành phố đã gặp mặt và tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến, những người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với trị giá quà tặng là 2 triệu đồng/người, cùng một số quà tặng bằng hiện vật. Thành phố yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các quận, huyện công khai chính sách tặng quà theo quy định, triển khai hoạt động tặng quà của thành phố bảo đảm thiết thực, đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời.
Xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”
Tỉnh Nam Định đang tập trung xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”; phấn đấu xây dựng 10/10 huyện, thành phố; 100% số xã, phường, thị trấn; 100% số tổ dân phố, thôn, xóm, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở và hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy; tất cả nhà ở các hộ gia đình được kiểm tra, tự trang bị các thiết bị điện, phương tiện chữa cháy bảo đảm tiêu chuẩn an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tỉnh xác định làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy; mỗi người dân là một tuyên truyền viên trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; mỗi gia đình, mỗi cơ sở là một “pháo đài” trên mặt trận phòng cháy, chữa cháy. Qua đó nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, đến tháng 4/2024, tất cả 70 xã của tỉnh chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới. Thậm chí, vẫn còn 59 xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Hiện, toàn tỉnh mới có hai xã Hoài Thượng và Mão Điền (thuộc thị xã Thuận Thành) đạt 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí cũ; 32 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 36 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao bình quân là 14,54 tiêu chí/xã. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20 đề ra, đến hết năm 2025 toàn tỉnh Bắc Ninh có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các đơn vị khẩn trương có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong tháng 5 tự rà soát, đánh giá kết quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, bảo đảm không hình thức và tạo phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tổng hợp kết quả, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thay đổi các tiêu chí, nhất là các tiêu chí cứng cho phù hợp và giao chỉ tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao cho từng huyện, thị xã, thành phố.
Sơ chế cà rốt xuất khẩu ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). |
Hải Dương xuất khẩu hơn 32 nghìn tấn cà rốt
Hải Dương hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh (chủ yếu ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng) đã xuất khẩu hơn 32.000 tấn cà rốt vụ đông 2023-2024 với giá trung bình 8.000 đồng/kg. Cà rốt sau khi sơ chế bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đã xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan... Đến nay, các địa phương trong tỉnh Hải Dương cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích cà rốt liên vụ 2023-2024, tổng sản lượng ước hơn 60 nghìn tấn. Riêng xã Đức Chính có 360 ha cà rốt, sản lượng đạt hơn 15.000 tấn, tương đương năm trước. Ngoài ra, khoảng 1.100 ha cà rốt được người dân Đức Chính trồng ở nơi khác trong và ngoài tỉnh đạt sản lượng hơn 40.000 tấn, trong đó hơn 34.000 tấn mang về xã tiêu thụ.
Sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững
Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện, thành phố quan tâm một cách thiết thực, quản lý và sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất sản xuất lúa của địa phương bảo đảm không để lãng phí nguồn lực đất đai. Cụ thể, tổ chức sản xuất lúa gạo theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, phù hợp nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu về an ninh lương thực, tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm các mô hình sản xuất lúa theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái đa tầng và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số để tăng giá trị sản xuất lúa gạo.