Coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phân bổ và giao kế hoạch vốn từ sớm, thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án, nhiệm vụ cụ thể. Nhờ những giải pháp đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của nhiều tỉnh, thành phố trong ba tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan.
Phấn đấu đưa một số công trình trọng điểm hoàn thành trước hạn
Năm 2024, Hà Nội là địa phương được Chính phủ phân bổ vốn đầu tư công nhiều nhất cả nước, với 81.033 tỷ đồng (gấp 1,72 lần so năm 2023). Ðể tăng tính chủ động cho các chủ đầu tư, ngày 1/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh một số thủ tục đầu tư của các dự án nhóm B, nhóm C thuộc nhiệm vụ chi cấp thành phố thực hiện đầu tư bằng nguồn ngân sách cấp huyện.
Thi công đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. (Ảnh: QUỐC TOẢN) |
Ngày 26/2/2024, thành phố ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND về kiểm tra, đánh giá các dự án đầu tư của thành phố nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp kịp thời tháo gỡ, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý vướng mắc, phát sinh. Nhờ vậy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I năm 2024 trên địa bàn Thủ đô đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, ước đạt 8.870 tỷ đồng, đạt 10,9% kế hoạch năm, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023. Tại dự án trọng điểm đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, các đơn vị duy trì nhịp độ thi công khẩn trương.
Ðại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, năm 2024, dự án được thành phố bố trí vốn hơn 3.110 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 672 tỷ đồng, đạt 21,60%. Trên công trường thi công dự án xây dựng đường vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh, Hoài Ðức…, các nhà thầu đã huy động khoảng 600 kỹ sư, công nhân, hàng trăm máy móc các loại tham gia thi công.
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra công trường thi công đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: QUỐC TOẢN) |
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vinaconex Nguyễn Khắc Hải cho biết, với quyết tâm góp phần đưa dự án về đích trước thời hạn, bảo đảm chất lượng, an toàn, đơn vị đã sử dụng nhân lực có nhiều kinh nghiệm; huy động máy móc, phương tiện hiện đại với số lượng lớn để triển khai thi công; phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố để bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ thi công; đồng thời thi công cuốn chiếu, mặt bằng có đến đâu làm đến đó.
Năm 2024, thành phố Hải Phòng được giao kế hoạch hơn 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so năm 2023. Tuy nhiên, Hội đồng nhân dân thành phố đã đặt kế hoạch phấn đấu giải ngân gần 20 nghìn tỷ đồng trong cả năm 2024. Vốn đầu tư công được bố trí tập trung cho các dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần đắc lực cho sự phát triển chung của thành phố và của vùng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tú cho biết, đến hết ngày 20/3, các đơn vị, địa phương của Hải Phòng đã giải ngân đạt hơn 2.238 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 13,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 11,17% kế hoạch thành phố giao. Tại 2 dự án trọng điểm của Hải Phòng kết nối với tỉnh Quảng Ninh là cầu Bến Rừng và cầu Lại Xuân đang trong giai đoạn thi công “nước rút”. Trong đó, các đơn vị nỗ lực để thông xe kỹ thuật cầu Bến Rừng vào tháng 4.
Trên công trình có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng này, các nhà thầu huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực, thi công liên tục. Cuối tháng 1, cầu đã được hợp long với khối lượng thực hiện đạt 95% giá trị hợp đồng. Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng Ðỗ Tuấn Anh chia sẻ, lãnh đạo thành phố và Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra thực địa để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, nhất là vướng mắc về mặt bằng.
Các nhà thầu đang tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Bến Rừng và cầu Lại Xuân - 2 cây cầu kết nối Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh. Trong ảnh: Công nhân tập trung thi công cầu Lại Xuân. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG) |
Ban Quản lý đôn đốc các nhà thầu sớm hoàn thiện các thủ tục để giải ngân nguồn vốn đầu tư đã được thành phố bố trí sẵn sàng. Một công trình trọng điểm khác là nút giao thông khác mức tại ngã tư đường Tôn Ðức Thắng-Máng Nước-Quốc lộ 5 có tổng mức đầu tư hơn 689 tỷ đồng, thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng, đến nay, nhà thầu đã thực hiện gần 80% giá trị hợp đồng. Nhà thầu dự án này đang đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể cho xe tải, xe container vận tải hàng hóa lưu thông trên cầu ngay vào đầu tháng 4, giải tỏa ách tắc thường xuyên xảy ra tại đây và cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật trong tháng 5/2024, về đích sớm hơn hai tháng so với kế hoạch ban đầu.
Với quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024, ngay từ những ngày đầu năm 2024, đại diện chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang đã có mặt trên những công trường trọng điểm kiểm tra tiến độ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chủ đầu tư đưa và ra những quyết sách, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.
Cán bộ kỹ thuật thi công cầu Đồng Việt trao đổi tại dự án. (Ảnh: ĐẶNG GIANG) |
Ðơn cử như Dự án cầu Ðồng Việt và đường dẫn lên cầu tại huyện Yên Dũng kết nối hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, dự án trọng điểm của tỉnh, được đầu tư bằng nguồn ngân sách với gần 1.500 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2022, đến nay đã giải ngân được gần 1.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư cùng nhà thầu tập trung cao độ các nguồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ công trình. Tuy nhiên vẫn còn 17 hộ dân trong phạm vi dự án chưa nhận tiền đền bù, đồng thời hạng mục nút giao ngã sáu của dự án tại xã Ðồng Phúc có nguy cơ bị chậm tiến độ vì chủ đầu tư chưa được giao mặt bằng.
Ủy ban nhân dân huyện Yên Dũng tăng cường cán bộ bám nắm địa bàn tuyên truyền vận động nhân dân sớm nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. Ông Ðàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, Ban cùng nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công, phấn đấu hoàn thành tiến độ thi công cầu Ðồng Việt trước bốn tháng so với kế hoạch ban đầu, cơ bản thông xe cầu và đường vào dịp Quốc khánh 2/9/2024.
Không để xảy ra tình trạng “ngâm vốn”
Cùng với việc chủ động nắm bắt, phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh, nhiều địa phương còn thực hiện các biện pháp “mạnh tay” đối với những nhà thầu, chủ đầu tư không bảo đảm tiến độ công việc.
Công nhân thi công cầu Nam Khê trên tuyến đường bộ ven biển qua huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: MAI LUẬN) |
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa được giao 12.115,663 tỷ đồng đầu tư công. Ðến ngày 15/3, tỉnh đã giải ngân đạt gần 2.000 tỷ đồng, bằng 16,2% kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ðạt được kết quả đó là do tỉnh giao vốn cho các đơn vị ngay từ cuối tháng 12/2023, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, quy định rõ mốc thời gian hoàn thành giải ngân đi đôi với kiểm tra, đôn đốc.
Tỉnh phê bình, công khai trên phương tiện đại chúng các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, trừ điểm khi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, tập thể liên quan và xem xét việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn kế tiếp. Ba tháng đầu năm nay, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các tổ công tác đã tổ chức 11 đợt kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, kiên quyết xử lý nhà thầu có năng lực yếu.
Lắp đặt trạm trộn bê-tông tại chân công trình, tạo thêm thuận lợi cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng. (Ảnh: MAI LUẬN) |
Ðơn cử như dự án tuyến đường ven biển từ huyện Nga Sơn đến huyện Hoằng Hóa dài gần 24 km, các địa phương đều đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Tuy nhiên trong đó có hơn 6 km đường có nền đất yếu phải xử lý, nhưng nhà thầu phụ có năng lực yếu, không bảo đảm tiến độ thi công. Sau nhiều lần nhắc nhở, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đã cảnh cáo, thay thế nhà thầu phụ. Hiện 3 cầu trên tuyến bảo đảm khối lượng thi công, vượt tiến độ đề ra.
Những ngày giữa tháng 3 này, trong cái nắng nóng gay gắt của mùa khô ở miền nam, không khí làm việc ở công trường thi công Dự án trọng điểm xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh (giao lộ Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn sôi động. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, tại công trường, các đơn vị đã huy động hơn 110 cán bộ chỉ huy, kỹ thuật, công nhân và hơn 30 máy móc, thiết bị khẩn trương thi công.
Thi công Dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: NHẬT THÀNH) |
Ðặc biệt, một số hạng mục được tổ chức thi công ba ca/ngày để sớm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của thành phố. Hiện khối lượng thực hiện gói thầu xây lắp số 2 (xây dựng hầm chui HC2, hướng từ Quận 7 đi huyện Bình Chánh) đã đạt khoảng 77%, khối lượng thực hiện của toàn bộ dự án đạt khoảng 60%. Dự kiến hầm chui sẽ được thông xe trước tháng 8 và hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối tháng 12/2024.
Tuy công tác giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương ba tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng số vốn được giao của cả năm 2024 cho các địa phương rất cao, để giải ngân đạt từ 95-100% kế hoạch, cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, đến hết tháng 3/2024, số vốn đầu tư công mà thành phố giải ngân ước đạt 7.259 tỷ đồng, đạt 9,2% kế hoạch năm 2024, tăng 4.439 tỷ đồng so quý I năm 2023, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu mà lãnh đạo thành phố đề ra là giải ngân được ít nhất 10%. Ðể tỷ lệ giải ngân tổng vốn đầu tư công năm 2024 đạt ít nhất 95%, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án xây dựng chi tiết từng nhiệm vụ công việc cụ thể trong từng tuần, bảo đảm hoàn tất việc giải ngân Kế hoạch đầu tư công đúng theo nội dung đã cam kết. Ðối với các dự án đã được quyết định đầu tư nhưng chưa thể triển khai, hoặc đang triển khai nhưng vướng công tác giải phóng mặt bằng không thể thi công tiếp, chủ đầu tư cần chủ động báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn; trường hợp cần thiết, đề xuất dừng hoặc thu hẹp quy mô dự án để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tránh để xảy ra tình trạng “ngâm vốn” hoặc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án…
Thi công một hạng mục của Dự án Vành đai 3 (đoạn qua thành phố Thủ Đức). (Ảnh: NHẬT THÀNH) |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; trong đó yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý đối với những dự án đã được giao vốn.
Tỉnh đặt các yêu cầu cụ thể về tiến độ giải ngân như đến ngày 30/6/2024, giải ngân đạt ít nhất 40% kế hoạch vốn; đến ngày 30/9/2024, giải ngân đạt ít nhất 70% kế hoạch vốn và đến ngày 31/12/2024, giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với tất cả các nguồn được kéo dài thực hiện sang năm 2024 và đến ngày 31/1/2025, giải ngân 100% kế hoạch vốn được bố trí trong năm 2024.
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các cấp ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu giải phóng mặt bằng cho từng dự án, tiếp tục duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác do các lãnh đạo Ủy ban nhân tỉnh làm tổ trưởng, tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường, cùng các địa phương, đơn vị thi công, tư vấn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Ðồng thời nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; tiếp tục rút ngắn, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thiết kế dự toán công trình, khắc phục tình trạng “vốn chờ thủ tục”.