Cảnh giác với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội

Hiện nay, tình trạng tấn công chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội để lừa vay tiền diễn ra thường xuyên trên không gian mạng, dễ làm người thân, bạn bè chủ tài khoản bị hack sập bẫy. Tinh vi hơn nữa là hành vi hack hoặc tạo tài khoản giả mạo rồi sử dụng tài khoản ngân hàng có thông tin trùng với chủ tài khoản bị hack, bị giả mạo thì người cảnh giác cao cũng có thể bị lừa.
0:00 / 0:00
0:00
Một nạn nhân bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tiền đến trình báo tại cơ quan Công an.
Một nạn nhân bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tiền đến trình báo tại cơ quan Công an.

Anh P.D.L trú tại phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh gần đây đến cơ quan công an trình báo bị đối tượng hack tài khoản mạng xã hội Facebook của mình. Sau đó, các đối tượng nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của anh đưa ra nhiều lý do khác nhau để vay mượn tiền; trong tin nhắn chúng gửi số tài khoản nhận tiền là tài khoản ngân hàng có thông tin trùng với họ và tên của anh P.D.L. Với thủ đoạn này, nhiều bạn bè của anh L đã không nghi ngờ và chuyển ngay tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.

Xác định đây là thủ đoạn mới, các đối tượng lợi dụng chính sách cho đăng ký tài khoản online của các ngân hàng, cụ thể các đối tượng dùng phần mềm photoshop chỉnh sửa thông tin trong căn cước công dân thu thập được từ trước trùng khớp với họ và tên của người dùng mạng xã hội bị hack rồi in ra giấy in ảnh, sử dụng căn cước công dân giả này để đăng ký tài khoản ngân hàng online. Sau đó, chúng dùng tài khoản này để nhận tiền lừa đảo. Thủ đoạn này khiến nạn nhân lầm tưởng đó là tài khoản ngân hàng của người thân, bạn bè mình.

Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tiếp nhận tin báo của một số người dân về việc bị các đối tượng giả danh công ty luật, văn phòng luật sư, lực lượng an ninh mạng... giới thiệu cung cấp dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa qua mạng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vào dịp cuối năm 2023, chị N.T.P trú phường Hà Phong, thành phố Hạ Long do cả tin cho nên đã tham gia đầu tư chứng khoán qua mạng và bị lừa đảo 210 triệu đồng. Khi biết mình bị lừa, chị N.T.P không trình báo ngay tới cơ quan công an mà tự tìm hiểu cách để lấy lại số tiền bị lừa thông qua các trang, hội nhóm trên mạng xã hội Facebook. Qua tìm hiểu, chị N.T.P biết được trang Facebook “Văn Phòng Luật Minh Khuê-Hỗ Trợ Thu Hồi Vốn Treo” có quảng cáo hỗ trợ dịch vụ lấy lại tiền bị lừa qua mạng thì chị N.T.P đã chủ động liên lạc và làm theo hướng dẫn của các đối tượng thì tiếp tục bị lừa thêm hơn 800 triệu đồng.

Thủ đoạn chung là các đối tượng lập ra các trang, hội nhóm trên mạng xã hội Facebook có nhiều lượt tương tác cao để thu hút những nạn nhân bị lừa đảo tham gia. Đối tượng sẽ giả mạo luật sư, chuyên gia và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người dân đã bị lừa trước đó. Sau khi có được niềm tin từ nạn nhân, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền và hình thức bị lừa. Các đối tượng tự nhận là sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo. Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển từ 2 đến 5 triệu đồng vào hệ thống (thực chất là tài khoản của đối tượng) với lý do xác nhận ủy quyền xử lý hồ sơ rút tiền về cho nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau như phí kích hoạt giải ngân, phí nâng cấp hạn mức nhận tiền cho tài khoản, phí nâng cấp điểm tín nhiệm... để yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển thêm tiền. Cứ như vậy, đến khi nạn nhân không còn khả năng nộp tiền thì các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc rồi chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, có trường hợp đối tượng giả mạo trang, hội nhóm Facebook của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và cam kết hỗ trợ nạn nhân thu hồi tiền bằng cách truy cập vào đường dẫn của trang web chơi cờ bạc trực tuyến. Đối tượng thông báo sẽ hack vào 2 khung giờ trên trang web đánh bạc, bảo đảm khi nạn nhân đóng tiền đặt lệnh sẽ thu được lãi. Ban đầu, đối tượng cho nạn nhân thắng với số tiền nhỏ, khi nạn nhân đặt lệnh với số tiền lớn thì đối tượng sẽ đưa ra nhiều lý do để yêu cầu nạn nhân nộp thêm tiền nhiều lần rồi chiếm đoạt.

Thực tiễn đấu tranh cho thấy công tác xác minh, điều tra đối với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng FakeIP, cũng như kết nối, giao tiếp với bị hại qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram... Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nhiều số điện thoại rác, tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng mua lại của người khác, địa bàn hoạt động chủ yếu ở nước ngoài nhằm đối phó cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, tố giác các đối tượng sẽ xóa dữ liệu, hủy thiết bị, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong xác định đối tượng phạm tội cũng như quá trình củng cố, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Mặt khác, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường có sự liên kết với các đối tượng người nước ngoài, hoạt động phạm tội được thực hiện cả trong nước và trên lãnh thổ nước khác gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Thượng tá Trần Đức Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, tình hình tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tội phạm ngày nay có xu hướng chuyển trục rất rõ nét từ truyền thống sang phi truyền thống, không giới hạn tuổi, vùng lãnh thổ, tội phạm trung gian sử dụng công nghệ cao. Các đối tượng là người nước ngoài câu kết với các đối tượng là người Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội, chủ yếu là người Trung Quốc, tập trung vào các nhóm tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Để giải quyết căn cơ ngăn chặn tội phạm công nghệ cao thì vấn đề “sim rác” cần được quan tâm xử lý triệt để và cần quản lý chặt chẽ hồ sơ, quy trình mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử thanh toán lưu động của khách hàng để ngăn chặn tình trạng tội phạm công nghệ cao sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản ảo như hiện nay.

Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn, chiêu trò mới, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không được đăng nhập tài khoản mạng xã hội vào các đường link, trang web lạ khi chưa tìm hiểu kỹ để tránh bị đánh cắp tài khoản mạng xã hội. Nếu nhận được tin nhắn hỏi vay tiền từ bạn bè, người thân qua mạng xã hội kèm với số tài khoản ngân hàng mang tên họ thì không vội chuyển tiền ngay mà hãy chủ động gọi điện hoặc gặp trực tiếp bạn bè, người thân để nói chuyện xác minh trực tiếp trước khi đồng ý chuyển khoản. Khi phát hiện tài khoản mạng xã hội của mình bị hack, chiếm quyền sử dụng, cần thông báo ngay cho bạn bè, người thân biết để tránh các đối tượng lợi dụng hình ảnh, trang mạng xã hội của mình bị hack để lừa đảo bạn bè, người thân chiếm đoạt tài sản. Người dân phải luôn cảnh giác và tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội cũng như không cung cấp thông tin căn cước công dân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội để tránh các đối tượng xấu thu thập, sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật ■