Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; phấn đấu giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu Tổng công ty 319 thi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)
Nhà thầu Tổng công ty 319 thi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)

So cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn đầu tư công hai tháng đầu năm 2024 có kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều đơn vị chậm phân bổ vốn, tỷ lệ giải ngân rất thấp, ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Ước giải ngân 9,13% kế hoạch

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 2/2024, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch và đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so cùng kỳ (kết quả giải ngân cùng kỳ năm 2023 đạt 6,55% tổng kế hoạch và 6,97% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao). Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ hơn 664 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Riêng vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác đã được phân bổ gần 93 nghìn tỷ đồng, cao hơn số vốn tối thiểu phải bố trí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó còn có hơn 6.000 tỷ đồng vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Điểm khác biệt của hoạt động đầu tư công năm 2024 là việc điều chuyển vốn đang được thực hiện ngay từ những tháng đầu năm.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến hết tháng 2 đã nhận được báo cáo của 5 bộ, ngành và 2 địa phương đề xuất giảm hơn 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư. Ngược lại, có 14 bộ, ngành, địa phương đề xuất tăng vốn với tổng mức đề xuất hơn 9.600 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác điều chuyển vốn phải được rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá việc nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra ba nhóm vướng mắc, khó khăn chủ yếu đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đó là những bất cập trong công tác phân bổ vốn và những vướng mắc liên quan các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Cụ thể, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025; dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột chậm tiến độ so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế của một số dự án cũng đang gặp khó khăn… Bên cạnh đó, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, nhất là vật liệu đất đắp, cát, đá đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án và nghị quyết của Quốc hội về tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất danh mục dự án cần thí điểm thực hiện việc tách giải phóng mặt bằng.

Đối tượng thí điểm là các dự án đầu tư công nhóm B, C có yêu cầu thu hồi đất để thực hiện, phù hợp các quy hoạch liên quan; dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện; thời gian dự kiến thí điểm đến hết năm 2025.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sớm được áp dụng sẽ mở ra kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, vốn đầu tư công ở Việt Nam có tỷ trọng 25-25,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương 8,33% GDP.

Tỷ lệ đầu tư công ở Việt Nam cao hơn so với quốc tế (bình quân tại các nước phát triển khoảng 5% GDP và các nước đang phát triển khoảng 7-8%) vì nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh của Việt Nam còn rất lớn.

Năm 2024, dự báo vốn đầu tư công tiếp tục duy trì ở mức 25-26% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương 9-10% GDP. Do đó, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, cần có giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này một cách hiệu quả.

Để phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực tăng tốc cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể là tiếp tục triển khai hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công các dự án mới. Về dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chính sách đặc thù về chỉ định thầu của dự án trong hai năm…

Đáng lưu ý trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Chính phủ còn nhấn mạnh đến yêu cầu triển khai các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, dự án liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố.

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm, để vốn đầu tư công thật sự trở thành vốn mồi kích thích nhiều nguồn vốn khác tham gia vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo ra tác động lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội.

Tính đến cuối tháng 2/2024 vẫn còn 33,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án, công trình.

Số vốn này thuộc kế hoạch đầu tư công của 21 bộ, ngành và 29 địa phương. Các bộ, ngành địa phương cần khẩn trương đề xuất phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng dự án, kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu giải ngân hơn 95% kế hoạch được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)